Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết vì tình yêu cuộc sống

Vân Hạ| 18/09/2019 15:34

(HNMCT) - Là “sếp” ở một tờ báo kinh tế, những tưởng sẽ gần gũi với con số nhiều hơn là văn chương, thế mà nhà văn Thùy Dương vẫn đều đặn ra sách. Cuốn sách mới đây nhất của chị, Lạc lối, tích hợp cả hai đặc trưng trong phong cách viết những năm gần đây của chị, tiểu thuyết tâm linh và các nhân vật nữ.

Sinh năm 1960 tại Hải Dương, nhà văn Thùy Dương từng theo học khóa 4 của trường Viết văn Nguyễn Du. Nhiều năm song hành cả văn lẫn báo, lại là mảng báo chí kinh tế, nhưng có lẽ chính sự sắc sảo, linh hoạt cùng những va đập của nghề báo đã trở thành “lưng vốn” cho chị viết văn. Ở nhiều trang viết của chị thấp thoáng bóng dáng của thương trường, của những được mất và những trăn trở từ thương trường ấy. Với chị, tất cả những gì thuộc về con người đều không hề xa lạ với trang viết. Tình yêu với cuộc sống thôi thúc chị cầm bút để tái hiện, để “mổ xẻ” cuộc sống với đầy đủ những phức tạp, những ngóc ngách và cả những nỗi đau con người. Hàng loạt tập truyện ngắn của chị đã ra đời, như Trong hộp kẹo, Hạnh phúc mỏng manh, Nước mắt chàng khổng lồ, Mưa thiếu nữ, Những người đàn bà đang sống...

Năm 2003, chị tuyển chọn những tác phẩm ưng ý nhất trong những sáng tác mới cho tập Truyện ngắn Thùy Dương. Đọc truyện ngắn Thùy Dương, với Trinh nữ, Khao khát giữa đời, Cô tôi, Phận đàn bà, Bùa yêu, Trái tim bất ổn, Hai người đàn bà, Mưa thiếu nữ, Tóc thề,... dễ nhận ra phần lớn nhân vật của chị là các thân phận phụ nữ ở nhiều tầng lớp với những mảnh đời khác nhau. Nhưng dù xinh đẹp hay khuyết thiếu, dù đau khổ hay sung sướng, dường như phái đẹp, phái yếu trong truyện ngắn Thùy Dương luôn nhìn cuộc đời với lăng kính tích cực và ẩn sâu trong họ là những tấm lòng nhân hậu, những trái tim biết yêu thương, sẻ chia đầy nữ tính.

Dịu dàng, mềm mại nhưng người phụ nữ trong truyện ngắn Thùy Dương cũng rất mạnh bạo và quyết liệt, không chấp nhận một cuộc đời cam chịu mà sẵn sàng lựa chọn, sẵn sàng trả giá để “thà được năm, mười năm hạnh phúc còn hơn suốt đời đi bên hạnh phúc” (Mưa thiếu nữ). Sau nhiều năm chăm chỉ cày xới trên cánh đồng truyện ngắn với những câu chuyện nhẹ nhàng, mềm mại, hiền lành và đầy nữ tính, Thùy Dương đã gặt hái được khá nhiều giải thưởng truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thiếu niên Tiền phong. Cái duyên giải thưởng tiếp tục đến với chị khi Thùy Dương bước vào địa hạt tiểu thuyết.

Với Giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 và 2009 cho tác phẩm Ngụ cư và Thức giấc, Giải Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2010 cho tiểu thuyết Nhân gian, có lẽ Thùy Dương là một trong số ít nữ nhà văn có nhiều giải thưởng đến vậy. Nếu ở cuốn tiểu thuyết đầu tay Tam giác muôn đời ra mắt từ năm 1992 còn chưa nổi bật, thì những cuốn tiểu thuyết sau này đã thực sự làm nên gương mặt văn chương Thùy Dương. Ở tiểu thuyết Ngụ cư viết về thân phận con người trong lằn ranh của quá khứ và tương lai, trong nỗi buồn về sự “ngụ cư” trên trái đất này thì ở các tiểu thuyết sau đó, Thức giấc, Nhân gian, Chân trần, Lạc lối, khuynh hướng viết nghiêng về tâm linh của chị ngày càng rõ nét.

Chị thường đưa độc giả đi giữa hai bờ của quá khứ và hiện tại, đi giữa thế giới hiện thực hữu hình và thế giới tâm linh vô hình, cứ đan xen vừa gần vừa xa giữa các câu chuyện, giữa các nhân vật. Ấy thế nhưng, sự đan xen ấy lại như được lồng ở giữa một sợi chỉ xuyên suốt khiến cho câu chuyện không bị chắp vá, đứt đoạn, càng không bị rối loạn, gây khó hiểu. Đọc trang trước, độc giả lại tò mò trang sau để chắp nối các câu chuyện và tuyến nhân vật nhằm biết cái kết của câu chuyện này sẽ đi về đâu. Khéo léo dẫn dụ được bạn đọc như thế, hiểu vì sao tiểu thuyết Thùy Dương nhận được nhiều lời khen từ độc giả và giành được những giải thưởng văn chương uy tín.

Tại cuộc ra mắt cuốn sách mới đây của chị, không ít người hâm mộ đã phải “xuýt xoa” khi được gặp nữ nhà văn xinh đẹp, tài năng. Trong con mắt của nhiều người quen biết, nữ nhà văn Thùy Dương có “cuộc sống màu hồng” với ngoại hình xinh đẹp, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc. Dường như điều đó khiến không ít người cảm giác nó mâu thuẫn với nghề văn. Song, không như nhiều cây bút phải viết từ những lằn gai của chính cuộc đời mình, Thùy Dương viết chỉ từ những gì chị chứng kiến mà có thể không cần tham gia.

Điều này có lẽ khó hơn rất nhiều, bởi phải cần một trái tim biết đồng cảm và thấu hiểu, một khối óc biết rời bỏ định kiến để tiếp nhận những quan niệm, lối suy nghĩ, điều kiện sống khác nhau của những người xung quanh thì mới có thể lý giải thấu đáo hành động và cách sống của mỗi con người, từ đó xây dựng được những nhân vật tiểu thuyết như vốn có trong đời sống. Vì yêu cuộc đời, yêu con người, yêu từ những điều bé nhỏ như nụ hoa nở trước hiên mà mỗi sáng, mà biết đau, biết trăn trở để rồi nữ nhà văn Thùy Dương cầm bút viết. Với chị, viết không phải vì chạy theo số lượng in hay phải chú tâm đến nhuận bút, mà viết là một nhu cầu tự thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết vì tình yêu cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.