Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Ngừng sáng tạo là thất bại

Quang Nam| 18/09/2019 15:56

(HNMCT) - Diễn ra cuối tuần qua tại Vườn hoa Diên Hồng (trong 3 ngày từ 13 đến 15-9), Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân - Hè 2020 thực sự đã mang đến cho công chúng Hà Nội một không khí thời trang cởi mở, mới lạ. Không chỉ là những mẫu thiết kế, bộ sưu tập, chương trình này còn gây ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp, theo xu hướng của các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới. Nhân sự kiện này, Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Minh Hạnh về câu chuyện thời trang Việt hiện nay.

- Thời gian gần đây, chương trình Tuần lễ Thời trang Việt Nam thường được tổ chức tại một số địa điểm ngoài trời, là những điểm vui chơi công cộng rất đẹp của Hà Nội như Công viên Bách Thảo, Vườn hoa Diên Hồng (Vườn hoa Con Cóc) thay vì các sàn diễn truyền thống. Vì sao có sự thay đổi này, thưa chị?

- Xu thế của thời trang thế giới cũng như thời trang Việt Nam là trở về với thiên nhiên. Hai chương trình Tuần lễ Thời trang Việt Nam trước đó chúng tôi đã chọn địa điểm ở Công viên Bách Thảo, dưới những hàng cây xanh tuyệt đẹp và năm nay chúng tôi chọn Vườn hoa Diên Hồng, một vườn hoa được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có sự kết hợp hài hòa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Để biến vườn hoa thành không gian biểu diễn, chúng tôi đã đưa về đây 300 cây tùng và trang trí hồ nước bằng các loại hoa như hoa trang, hoa thiên điểu... Chúng tôi muốn đưa thiết kế thời trang đến gần hơn với người dân, trong không gian thiên nhiên.

- Ngoài việc tạo ra sàn diễn thời trang theo xu hướng thế giới, Tuần lễ Thời trang Việt Nam cũng được đánh giá chuyên nghiệp về nhiều mặt. Để tạo ra một sân chơi như vậy cho các nhà thiết kế Việt Nam, hẳn chị đã gặp không ít khó khăn?

- Có nhiều khó khăn chủ quan và khách quan. Nhưng cái khó khăn nhất khiến tôi phải lo lắng là bộ sưu tập của các nhà thiết kế như thế nào. Nếu các nhà thiết kế không sáng tạo thì có diễn ở cung trăng cũng bằng thừa. Sân khấu đẹp chỉ cộng hưởng chứ không quyết định chất lượng bộ sưu tập, giá trị mà các nhà thiết kế đưa đến cho thị trường. Nếu các nhà thiết kế không làm được điều đấy, không tạo ra được hấp lực cho người tiêu dùng thì coi như thất bại.

Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân - Hè 2020 được tổ chức cùng thời điểm với các sự kiện tuần lễ thời trang thế giới, đây là đòi hỏi khắc nghiệt mà người làm thiết kế phải tuân theo. Chúng tôi phải làm các bộ sưu tập trước 6 tháng, dù Hà Nội đang là mùa thu thì chúng tôi cũng phải đưa ra các thiết kế cho mùa xuân, mùa hè năm sau nếu không sẽ lạc hậu. Tuần lễ thời trang phải dự báo được những khuynh hướng của Việt Nam và thế giới. Nó buộc các nhà thiết kế luôn học hỏi, sáng tạo để đưa ra được thông điệp riêng của mình bởi thế giới bây giờ đã thay đổi quá nhiều, quá nhanh.

- Qua 750 mẫu thiết kế thuộc 15 bộ sưu tập, chị có thể đánh giá gì về xu hướng thời trang xuân hè 2020?

Người mẫu trình diễn trong lễ khai mạc Tuần lễ Thời trang Xuân - Hè 2020. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

- Xu hướng năm nay là sử dụng chất liệu thiên nhiên, trở về với thiên nhiên, trong đó chất liệu organic được đặc biệt ưa chuộng. Người tiêu dùng hiện nay chấp nhận vải xù xì, họ không cần phải trau chuốt, bóng, mềm, mượt mà, họ chấp nhận trả cái giá cao hơn nếu sản phẩm được làm từ những cây trồng không phun thuốc... bởi đó là vì môi trường. Nếu các nhà thiết kế biết nắm bắt xu thế đó để đầu tư chất xám thì sẽ thành công. Hơn một nửa các nhà thiết kế tham gia Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân - Hè 2020 đã tìm về chất liệu thiên nhiên như lụa, linnen, cotton... Họ chọn chất liệu truyền thống nhưng chúng ta không thấy bóng dáng truyền thống như ở thập kỷ trước mà thay vào đó là một vẻ đẹp hiện đại.

- Nhiều thế hệ nhà thiết kế đã tham gia vào cuộc chơi này. Họ đã đáp ứng được như thế nào với những đòi hỏi khắt khe của chị để Tuần lễ Thời trang mỗi mùa lại chuyên nghiệp hơn?

- Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ: Cô bây giờ già rồi, các con phải lớn nhanh lên không cô không chịu nổi nữa đâu! Có thời các nhà thiết kế cực kỳ thịnh vượng, họ bán được hàng và họ biết thị trường cần gì. Nhưng rõ ràng số những nhà thiết kế ấy còn sáng tạo đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi họ không chịu nổi áp lực của thị trường, của nghề, đó là áp lực phải luôn làm mới mình. Ở thời đại này, muốn làm mới cần rất nhiều điều kiện, trong đó tiên quyết là sự dày công, phải đi tìm chất liệu này, hiệu ứng khác...

Quy luật đào thải đó khiến cho chỉ những nhà thiết kế làm được, có thị trường mới tiếp tục tham gia Tuần lễ Thời trang Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nhà thiết kế thời hưng thịnh, ngủ quên trên chiến thắng đã bị tụt lại. Có nhiều bạn khi vào thành phố Hồ Chí Minh thấy tôi làm việc như một công nhân thì hỏi: “Cô bây giờ cũng phải làm việc như thế này à?”. Tôi nói đó là chuyện bình thường, ngay cả các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới họ cũng phải làm việc như vậy, từ 5h sáng đến 8 - 9h tối. Họ làm việc với tất cả mọi người, mọi khâu bởi nó là chi tiết, trong thời trang chi tiết mới tạo nên đẳng cấp.

- Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà thiết kế Minh Hạnh: Ngừng sáng tạo là thất bại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.