Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời trang hướng tới gần gũi thiên nhiên

Bài, ảnh: Thụy Du| 29/09/2019 08:17

(HNM) - Những bộ sưu tập thời trang mới nhất vừa được các nhà thiết kế trong nước ra mắt cho thấy, xu hướng phát triển thời trang Việt Nam là gần gũi với thiên nhiên, truyền đi thông điệp về sự bền vững, thân thiện với môi trường.

Đây là sự tiếp nối xu hướng thiết kế và phát triển thời trang Việt Nam những mùa gần đây, song được thực hiện một cách triệt để và nhiều sáng tạo hơn. Nhà thiết kế Minh Hạnh, người thường xuyên tổ chức các Tuần lễ thời trang Việt Nam cho biết, ngành dệt may và thời trang Việt Nam nặng về gia công và đang đứng trước nhiều sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế. Nhưng đó cũng là lợi thế để ngành này bứt phá và tạo nên sự riêng biệt của Việt Nam trên thị trường.

Gần gũi với thiên nhiên là xu hướng phát triển thời trang Việt Nam hiện nay.

Chất liệu được phần lớn các nhà thiết kế Việt Nam lựa chọn gần đây là lụa, linen (đũi), cotton, jeans… có nguồn gốc tự nhiên. Các chất liệu này phát huy ưu điểm khi được nghệ nhân gia công theo phương pháp truyền thống. Đó là khả năng điều hòa nhiệt độ, giúp người mặc cảm thấy ấm hơn khi trời lạnh và mát hơn trong thời tiết oi bức, đồng thời không gây kích ứng da. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Chất liệu có nguồn gốc tự nhiên đang là xu thế của thời trang thế giới, được các nhà thiết kế tên tuổi sử dụng. Với hàng trăm làng nghề truyền thống, đây là cơ hội "vàng" cho các nhà thiết kế trong nước tìm tòi, sáng tạo, đưa tên Việt Nam hòa vào dòng chảy chuyên nghiệp của thế giới”.

Sâu hơn nữa, không chỉ sử dụng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, các nhà thiết kế còn hướng tới chất liệu an toàn với người sử dụng, bền vững với môi trường. “Xu hướng sống hiện nay là trở về với thiên nhiên, nên thời trang theo đó cũng sử dụng chất liệu hữu cơ. Tức là vải dệt từ sợi tơ tằm hay sợi thực vật được chăm sóc theo phương thức truyền thống, không sử dụng hóa chất. Người tiêu dùng văn minh sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm dù không hoàn hảo nhưng thân thiện với môi trường. Những người làm thời trang nắm bắt được xu hướng này và đầu tư chất xám sẽ đi đến thành công”, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ. Đáng mừng là nhiều nhà thiết kế Việt Nam đang đồng hành cùng nghệ nhân tại các làng nghề truyền thống, đưa công nghệ xử lý, khắc phục những hạn chế của các chất liệu tự nhiên, như nhăn (lụa, đũi), cứng (gai), dễ phai màu (lanh)…, để mang lại sự dễ chịu hơn cho người sử dụng.

Về kiểu dáng, chú trọng sở thích đơn giản, thoải mái của người dùng, các thiết kế thời trang có dáng rộng, thuôn, màu sắc hòa cùng thiên nhiên như xanh lá, đỏ, vàng, cam, nâu đất, trắng, đen... Sau một thời gian vắng bóng, nhà thiết kế Hùng Việt trở lại rực rỡ bằng bộ sưu tập có màu đỏ chủ đạo, với những đường cắt, xếp tầng mềm mại, bay bổng. Nhà thiết kế Phương Thanh chọn màu xanh lá thể hiện sự tự do, phóng khoáng...  

Trong khi đó, các nhà thiết kế Minh Hạnh, Nhi Hoàng, Cao Duy, Công Huân… đặt tâm tư vào chi tiết trong trang phục, như thêu tay, đắp hoa văn thổ cẩm, đính đá... để tạo dấu ấn cho bộ sưu tập mới. Gắn bó với thời trang cho người Việt nhiều năm, nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Chula cho biết, ông vẫn sử dụng chất liệu lụa và hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong các thiết kế mới nhất. Theo ông, chúng không chỉ đẹp, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, mà còn tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Gây chú ý còn có bộ sưu tập “Nơi tôi sống” của GenViet Jeans, với những họa tiết mang hơi thở cuộc sống như hoa văn kiến trúc cổ, hoa sen, hoa đào, mặt nạ, gánh hàng rong… trên sắc xanh quen thuộc của chất liệu jeans.

Bên cạnh thiết kế dành cho đối tượng phổ thông, nhiều nhãn hiệu thời trang còn có những mẫu mã dành cho trẻ em, người cao tuổi, người có số đo không hoàn hảo. Theo nhà thiết kế Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Thời trang GenViet, việc này thể hiện sự tôn trọng các đối tượng tiêu dùng khác nhau và nỗ lực đưa thời trang gần gũi, thân thiện với mọi người hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời trang hướng tới gần gũi thiên nhiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.