Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng 10 trên những con phố thi nhân

Bảo Hân| 10/10/2019 07:11

(HNMO) - Tháng 10 nắng trải mật trên những con phố Hà Nội. Tiết trời thu đẹp nhất trong năm càng làm Thủ đô đang sống lại thời khắc lịch sử của ngày 10-10 thiêng liêng. Mùa thu này như đang gặp lại mùa thu của 65 năm trước khi đi trên phố Nguyễn Đình Thi vang vang lời ca “Người Hà Nội” và rẽ ngang phố Văn Cao trùng trùng nhịp phách “Tiến về Hà Nội”...

Xôn xao mùa thu trên phố Nguyễn Đình Thi

"Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu...”.

Tháng 10 cuối thu trời trong veo, thành phố xôn xao trong nhiều xúc cảm tươi vui. Như vẫn còn những phố nhỏ chờ đợi bước chân về, vài ô cửa đón ban mai, đưa nắng nhè nhẹ qua ban công văng vẳng nhịp bài hát “Người Hà Nội”. Đó là cảm giác bâng khuâng khi đi trên con phố thi nhân lượn vòng quanh hồ Tây. Phố rất đẹp mang tên một nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa của Hà Nội - Nguyễn Đình Thi.

Dường như tạo vật khéo sắp đặt để con phố lượn quanh hồ Tây từ đầu vườn hoa Lý Tự Trọng chạy đến tận ngã ba Văn Cao - Trích Sài mang tên tác giả bài hát “Người Hà Nội”. Con phố đẹp bốn mùa nhưng xốn xang nhất khi chạm ngõ vào thu. Những ngày tháng 10, phố Nguyễn Đình Thi được cảm nhận đủ đầy không gian của hanh hao nắng gió và thoang thoảng hơi lạnh sắt se. 

Phố Nguyễn Đình Thi không gợi về hình ảnh phố phường Hà Nội chật hẹp, đủ cả hai dãy chẵn lẻ, hun hút, mà mênh mang, khoáng đạt của một bên là mênh mông sóng nước, một bên là những ngôi nhà bốn mùa căng gió. Không gian phố sau những điểm tưởng như kết thúc lại đột ngột mở ra bởi đường cong mềm mại, ôm lấy sóng nước Tây Hồ. Sắc hoa bốn mùa và hàng cau vua cổ thụ rêu phong bám dày là nét nhấn nhá cho vẻ yêu kiều, đẹp đẽ của phố. 

Trường Bưởi xưa (nay là Trường THPT Chu Văn An) ngay đầu phố cũng là nơi học tập của người nghệ sĩ tài danh Hà Nội Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Đình Thi từng viết về mùa thu: "...Ta đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc, nói cười, thiết tha..."... Qua những vần thơ của ông, đất nước Việt Nam, Hà Nội, với những ngày thu thật đẹp. Viết lên những vần thơ như thế, thật dễ hiểu khi biết Nguyễn Đình Thi là người con sinh ra từ làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Cái tên Nguyễn Đình Thi cũng nhắc nhớ đến bao nét tài hoa khi ông vừa là nhạc sĩ, nhà văn và là nhà thơ tài hoa. Nhạc phẩm “Người Hà Nội” được ông sáng tác đầu năm 1947. Cho đến nay, sau hơn 70 năm ra đời, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vẫn được đánh giá là ca khúc hay nhất về Thủ đô. Ông đã phác họa một Hà Nội linh thiêng với sức chứa của một không gian văn hóa, một thời gian lịch sử, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm!

Tiến về phố Văn Cao

Con phố mang tên người nhạc sĩ tài danh lãng mạn khác cũng được gợi nhớ trong một không gian tháng 10 đầy cảm xúc. Tên phố nhắc đến một nhạc sĩ tài hoa có ca khúc gắn với Ngày Giải phóng Thủ đô - “Tiến về Hà Nội”.

Văn Cao - Phố chỉ dài chừng 1km nhưng thuộc diện đẹp nhất Thủ đô, nối dài phố Trần Duy Hưng -  phố mang tên vị Chủ tịch UBND thành phố đầu tiên của Hà Nội sau giải phóng và phố Nguyễn Chí Thanh - một vị tướng tài ba. Người nhạc sĩ tài hoa còn được hậu thế mãi nhắc đến khi là tác giả của bài "Tiến quân ca" - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong nền âm nhạc Việt Nam mọi thời đại. Ông sinh ra tại Hải Phòng, quê quán thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nhưng cả tuổi thanh xuân và cho đến hết cuộc đời, ông gắn bó máu thịt với Thủ đô thân yêu. Ông sáng tác nhiều nhạc phẩm mang âm hưởng lãng mạn, nhưng chỉ với hai ca khúc “Tiến quân ca” và “Tiến về Hà Nội” đã đủ vinh danh ông trong lòng bao thế hệ người Việt. 

Đặc biệt, trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc hay và ấn tượng nhất viết về Ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội được giải phóng. Các học giả sau này đều nhận định, "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác bằng ngôn ngữ của âm nhạc.

Những gì diễn ra cách đây 65 năm được ghi lại trong các thước phim, bức ảnh đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành trùng khớp với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung trong một đêm trăng trên chiến khu Việt Bắc.

"Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố..."

Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” luôn chiếm được tình cảm của người Hà Nội nói riêng, người dân cả nước nói chung. Giai điệu hào hùng của bài hát vẫn vang lên trên mỗi ngõ phố, con đường, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. 

Ngoài âm nhạc, Văn Cao còn đam mê hội họa. Trọn đời ông đã dùng nghệ thuật này để nói lên triết lý sống vị nhân sinh. Cũng như con phố mang tên ông, đó là sự sắp đặt của thiên nhiên hài hòa đầy cảnh sắc. Dải phân cách giữa phố gồm nhiều tầng cây xanh tựa công viên trong lành giữa ồn ào phố xá.

Trước khi đặt tên phố Văn Cao ở Thủ đô, có nhiều tỉnh, thành phố đã đặt tên tuyến đường Văn Cao. Một năm sau ngày nhạc sĩ Văn Cao mất, ngày 10-7-1995, thành phố Hải Phòng đã đặt tên Văn Cao cho một con phố đẹp ở quận Ngô Quyền. Huế có phố Văn Cao ở phường Xuân Phú. Đà Nẵng có phố Văn Cao ở quận Thanh Khê. Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định - quê hương của nhạc sĩ đều đã có phố mang tên ông.

Thủ đô Hà Nội đặt tên phố Văn Cao đúng dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cũng là tròn 60 năm Ngày bài hát "Tiến quân ca" ra đời mang một ý nghĩa sâu sắc, là niềm vui, niềm tự hào của người dân Hà Nội và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng 10 trên những con phố thi nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.