Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học cách chạm tới trái tim người xem

An Định| 19/10/2019 08:13

(HNMCT) - Sân khấu Việt lâu nay vẫn loay hoay với bài toán đổi mới, làm thế nào để hấp dẫn người xem. Và Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm vừa diễn ra có thể coi là một tập hợp những lời giải ở thời điểm này. Rất nhiều thử nghiệm được đưa ra cùng với đó là những tranh cãi mổ xẻ của giới sân khấu với mong mỏi mỗi nghệ sĩ sẽ tự tìm được một phương cách chạm tới trái tim người xem.

Thử nghiệm bằng tình yêu sân khấu

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm vừa diễn ra có rất nhiều điều thu hút cả người làm nghề và công chúng. Nó giống như một bữa tiệc buffet để qua đó, người làm được thử nghiệm tay nghề và cũng là cơ hội để thử nghiệm “vị giác nghệ thuật” của người xem ở thời điểm hiện tại. 3 năm một lần, năm nay là lần thứ tư liên hoan được tổ chức tại Hà Nội và điều đọng lại qua liên hoan là lòng yêu nghề, say nghề và mong muốn tìm tòi những hình thức thể hiện mới cho sân khấu của các nghệ sĩ ở các nền sân khấu khác nhau. Và nhờ vậy, công chúng Thủ đô cũng được thưởng thức nhiều “món” lạ.

Một cảnh trong vở rối Thân phận nàng Kiều.

Với những vở quốc tế, rất nhiều lời khen đã được thốt ra. Bằng quá nhiều những thử nghiệm khác xa sân khấu truyền thống như không có lời thoại, kết hợp cả đu dây, một chút ảo thuật, rối đen, trình chiếu video..., vở diễn Bpolar (Đoàn nghệ thuật Ayit, Israel) khiến người xem không thể rời mắt bởi sự hấp dẫn và sức biểu cảm của nó. Vở Cánh đồng đẫm máu (Nhà hát Thessaly, Hy Lạp) lại gây ấn tượng mạnh với kỹ năng biểu diễn chân thực như một bộ phim với tư liệu dày dặn. Vở Macbeth Mirror (Kalyani Lamandalma, Ấn Độ) - dù lấy cảm hứng từ vở kịch kinh điển Macbeth của Shakespeare nhưng lại đậm chất Ấn Độ với thử nghiệm đặc biệt của đạo diễn về sự giản tiện của sân khấu hiện đại...

Còn với sân khấu Việt, nỗ lực đổi mới, thử nghiệm của các tác giả có thể nói rất rõ nét. Những vở diễn như Cậu Vanya, Dưới cát là nước... đều cho thấy sự đổi mới trong ngôn ngữ và hình thức sân khấu. Các nghệ thuật khác như xiếc, rối nước cũng có những thử nghiệm táo bạo. Vở xiếc Hà Nội của những giấc mơ, vở rối Thân phận nàng Kiều, Mơ rồng... đều có thể khiến người xem trầm trồ bởi khả năng kể chuyện của những ngôn ngữ nghệ thuật vốn chỉ quen với tích, trò, màn ngắn...

Luôn lắng nghe khán giả

Một câu hỏi thường xuyên được nhắc đến suốt liên hoan đó là: Vở diễn thử nghiệm gì? Nhưng ngay trong việc nhận định sự thử nghiệm cũng gây ra nhiều tranh cãi. Khi đạo diễn Quý Dương mở rộng tối đa biên giới thử nghiệm với sân khấu rối nước trong vở Mơ rồng, anh đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Người chê anh tham, người khen anh thể hiện ý tưởng mạch lạc, kết hợp cả con rối và hình thể của nghệ sĩ, mở rộng không gian vở diễn không chỉ là hồ nước mà toàn bộ nhà hát, cuốn khán giả vào vở... Với Dưới cát là nước, có nhà phê bình dành nhiều lời khen cho Mi Lê, đạo diễn trẻ nhất liên hoan, vì bản dựng trẻ trung, nồng nhiệt và giàu chất điện ảnh, nhưng cũng có người thẳng thắn chỉ ra rằng tác phẩm còn quá nệ kịch bản gốc và mang nhiều nét của người đi trước...

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, “sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các trào lưu nghệ thuật nhằm đưa sân khấu phát triển. Với mục đích đổi mới, khám phá, “sân khấu thử nghiệm” muốn trình bày sự cách tân của tác giả, đạo diễn, diễn viên nhằm mở ra cấu trúc hình thức mới làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng thị hiếu của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển”. Nhưng với sáng tạo nghệ thuật, nếu chỉ dựa vào tiêu chí thử nghiệm thì khó có thể mang đến một đáp số chung bởi không phải sự thử nghiệm nào cũng hấp dẫn người xem. Đạo diễn Quý Dương cho rằng: Dù là tác phẩm bình thường hay thử nghiệm thì cũng rất cần lắng nghe ý kiến của khán giả vì mục đích của sân khấu là hướng tới khán giả. Đây cũng là quan điểm chung của hầu hết bạn bè đồng nghiệp thế giới: Tác phẩm sân khấu thành công là tác phẩm chạm tới cảm xúc của người xem chứ không phải chỉ là nó được thể hiện mới mẻ ra sao.

Và điều quan trọng không kém, đó là sân khấu Việt học được gì từ liên hoan, từ thử nghiệm của các bạn nghề? Quả thật đã có rất nhiều cảm nhận, bài học khác nhau được chia sẻ trong các buổi hội thảo sau đêm diễn. Như Giáo sư Phạm Duy Khuê nhận định: “Có những vở diễn hay nhưng chưa có tính thử nghiệm, nhưng lại có những vở thử nghiệm nhiều cái mới và gây tranh cãi. Đó chính là thành công của liên hoan bởi tìm ra được con đường mới trong kịch bản, dàn dựng, âm nhạc, thiết kế sân khấu chính là tìm ra con đường mới cho sân khấu và khán giả”.

Biết sân khấu thế giới đang làm gì, hiểu mình phải làm gì và được “thử” khán giả - đó có lẽ là những giá trị quá lớn mà người làm nghề và khán giả có thể trông đợi từ một liên hoan, chứ không phải chỉ là những tấm huy chương!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học cách chạm tới trái tim người xem

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.