Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn đó vẻ đẹp tranh dân gian Đông Hồ

An Nhi| 05/11/2019 07:34

(HNM) - Hai phòng trưng bày dành riêng cho triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) những ngày này thu hút đông đảo công chúng Thủ đô. Ở đó có thể thấy, vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ từ hàng trăm năm trước được duy trì, gìn giữ và phát huy theo nhiều cách khác nhau.

Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” đã mở ra trước mắt người xem câu chuyện dài và đẹp về một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) - nơi nổi tiếng với kỹ thuật in tranh ván khắc gỗ. Việc tổ chức triển lãm này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong, là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), với mong muốn khôi phục, bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là dịp để giới thiệu với công chúng Thủ đô và du khách vẻ đẹp văn hóa, giá trị nghệ thuật đặc trưng của dòng tranh thủ công truyền thống này.

Với hơn 100 tư liệu, hiện vật, triển lãm gồm 2 phòng tranh, dẫn dắt người xem qua hành trình xưa và nay của tranh dân gian Đông Hồ. Những bức tranh in lưu giữ gần một thế kỷ và tranh in theo mẫu truyền thống vẫn thu hút và được công chúng hiện nay ưa chuộng. Tiêu biểu như các bức “Gà đàn”, “Lợn đàn”, “Gà thư hùng”, “Lợn ăn lá dáy”, “Vinh hoa”, “Phú quý”, “Nhân nghĩa”, “Lễ trí”, “Trường thọ”, “Sung túc”… Tại đây, các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ cũng có mặt để giới thiệu, hướng dẫn người xem trải nghiệm thực hành làm tranh.

Thích thú tham quan triển lãm, ông Yoon Yul Soo, Giám đốc Bảo tàng Gahoe Minhwa (Hàn Quốc) chia sẻ, tranh dân gian Đông Hồ có nhiều nét tương đồng với tranh dân gian Hàn Quốc, đều làm bằng phương pháp thủ công, nội dung hàm chứa những giá trị tốt đẹp như sung túc, no đủ, trường thọ, học hành đỗ đạt, vui vẻ... phù hợp với hầu hết các đối tượng trong xã hội.

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, lối khắc tranh Đông Hồ đục nét sâu, to, cao gọi là chân đê. Bản in bằng gỗ thị rất bền, có thể in hàng trăm năm không mòn. Màu in tranh lấy từ tự nhiên, như trắng từ vỏ sò, đen từ lá tre, rơm đốt, đỏ và nâu từ son, chàm từ cây chàm…, nên tranh để tới 100 năm không phai nhạt. Đây là những bài học quý cho công tác in khắc, gìn giữ nghệ thuật tranh truyền thống của dân tộc.

Đáng chú ý tại triển lãm là phần trưng bày tranh phục chế các mẫu được cho là thất lạc, được các nghệ nhân khai thác từ nguồn tư liệu của những học giả nước ngoài như Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal. Có những hình ảnh rất đặc trưng của dòng tranh này như ở những bức “Nghinh xuân”, “Sơn du”, “Phúc lộc song toàn”… Nhiều hình ảnh xã hội Việt Nam thời đầu thế kỷ trước như hát cải lương, nhảy đầm, thể dục, phong trào bình dân học vụ… cũng xuất hiện thú vị trong các bức tranh phục chế gần đây.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế cho biết, có những bản khắc ông phục chế mang niên đại hơn 200 năm. “Bản phục chế đạt chất lượng phải làm rất kỳ công, từ khâu chọn gỗ đến kỹ thuật khắc. Tôi rất mong tiếp tục có nhiều bản khắc cổ được đưa về làng nghề để chúng tôi phục chế, phục dựng, bảo tồn những nét đẹp truyền thống này”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ.

Là nữ nghệ nhân hiếm hoi của làng tranh Đông Hồ, với gần 50 năm theo nghề cha ông, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh còn tìm tòi sáng tác mới nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng tranh này. Các sáng tác của bà như “Quan họ Hội Lim”, “Chợ quê”... cùng tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả như “Hai chị em mèo”, “Mã đáo thành công”, “Khỉ vàng đón xuân”... có nhiều sự cải tiến về nội dung, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tranh dân gian Đông Hồ.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31-1-2020 - khi Hà Nội bước sang xuân mới - với mong muốn tạo một điểm đến nghệ thuật truyền thống thú vị, ý nghĩa cho công chúng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn đó vẻ đẹp tranh dân gian Đông Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.