Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Học hỏi không biết đâu là cùng”

Vân Hạ| 20/11/2019 16:32

(HNMCT) - Nhắc đến Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), dễ nhiều người cho rằng ông ở thời cách hiện tại rất xa, và vì thế sách của ông chưa chắc đã phù hợp với bạn đọc hôm nay. Nhưng thực tế, trên nhiều diễn đàn đọc của thanh niên hiện nay, hay trong những buổi hội thảo về sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, số lượng bạn trẻ tìm đến đông không ngờ. Điều gì đã làm nên sức hút của các đầu sách “thương hiệu” Thu Giang Nguyễn Duy Cần, để nhiều thế hệ vẫn luôn muốn noi gương tinh thần sống, học tập và làm việc của ông? Có lẽ chính là việc nói và viết luôn đi đôi với làm.

Nêu cao tinh thần học tập suốt đời, trong Tôi tự học, Nguyễn Duy Cần từng viết: “Học hỏi là một việc không biết đến đâu là cùng, còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó”.

Nhưng ông không chỉ “hô khẩu hiệu” suông mà chính cuộc đời của ông đã là minh chứng sống động nhất cho tinh thần đó: “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 - 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy”.

Bởi thế, vốn bắt đầu con đường học vấn vô cùng vất vả như chính ông tự nhận mình “là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe”, lại chỉ tốt nghiệp bậc Thành chung (tương đương lớp 9 ngày nay), nhưng nhờ công phu tự học mà Nguyễn Duy Cần thông thạo cả tiếng Pháp, Anh và chữ Hán, trở thành học giả, được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Tinh thần tự học của ông được thể hiện ở trong rất nhiều tác phẩm, đặc biệt ở các đầu sách Óc sáng suốt, Thuật tư tưởng, Tôi tự học, Để thành nhà văn... Với người thầy Nguyễn Duy Cần, “học là để cho đầu óc và tâm hồn ngày càng cao hơn, rộng hơn. Có cao có rộng thì mới tránh được cái nạn thiên kiến, chấp nhất của những đầu óc hẹp hòi”.

Cuộc đời của Nguyễn Duy Cần gắn với nghề dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học và Kinh dịch, và nghề nào cũng liên quan đến viết sách với các bút danh Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử… Cuốn sách đầu tay của ông là Duy tâm và duy vật viết năm 1935.

Từ đó, ông liên tục cho ra đời các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, văn hóa, tâm linh, y học, văn học và đặc biệt là sách tu thân, đạo lý xử thế và học làm người như Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Thuật yêu đương... Một điều dễ nhận thấy là tinh hoa triết học phương Đông đậm nét trong từng tác phẩm của Nguyễn Duy Cần.

Thế nhưng, ở thời đại 4.0 hiện nay, sách của ông không vì học theo các đạo lý của người xưa mà cũ kỹ, lạc hậu, trái lại, nhiều tác phẩm còn được tái bản liên tục với số lượng in lớn, đặc biệt là cuốn Tôi tự học, được coi là sách “gối đầu giường” của nhiều lớp độc giả, đến nay đã tái bản lần thứ 20 với số lượng phát hành gần 54.000 bản. Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, từ năm 2011, NXB Trẻ đã cho ra mắt Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần in lại 23 đầu sách của ông.

Mới đây nhất, phiên bản đặc biệt của tủ sách này gồm bản bìa cứng và bản bìa cứng có nhũ vàng vừa được NXB Trẻ trình làng. Sách được chia thành 9 cuốn theo 3 chủ đề Tự học và Xử thế, Tinh hoa Đạo học Đông phương, Dịch Kinh giải luận. Mỗi bộ sách được đóng hộp riêng, thích hợp cho những độc giả không chỉ muốn đọc mà còn muốn lưu giữ lâu dài hay sưu tầm chơi sách.

Mặc dù sách được bán rất nhiều với số lượng in lớn, nhưng cả đời Nguyễn Duy Cần vẫn sống giản dị, khiêm tốn, vẫn ở nhà thuê. Ông viết sách không phải với mục đích để sống bằng nghề viết. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Duy Cần ra đời là một lẽ tất nhiên, như kết quả của một đòi hỏi bức thiết mà cuộc sống, nhân sinh đang chờ đợi. Sách xuất bản rồi, Nguyễn Duy Cần lại luôn quan tâm đến độc giả để biết sách của ông được ai đọc, giới trẻ có đọc không, sách có còn cống hiến được gì cho đời không...?

Cho nên, những năm 1990 khi biết sách của mình bị in lậu, ông không những không hề kiện mà còn nhờ người nhà mua sách lậu về để sửa lỗi đoạn in sai, in thiếu. Đây chính là một phần của những nét tính cách được hình thành từ sự thấm nhuần tư tưởng triết học phương Đông.

Cuộc đời Nguyễn Duy Cần luôn hành xử bình tĩnh, độ lượng, lấy nhu thắng cương, sống điềm đạm, giữ tinh thần trách nhiệm và luôn nêu cao tinh thần rèn luyện trí lực, học tập suốt đời: “Điều kiện thuận tiện nhất cho một người cố tâm học hỏi là phải có một đời sống đơn giản nhất… Đời sống đơn giản tức là cái nếp sống tổ chức theo một quan niệm biết nhìn thấy cái gì là chính cái gì là phụ trong đời, biết quý cái cần thiết mà bỏ qua những cái không cần thiết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Học hỏi không biết đâu là cùng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.