Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trưng bày tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Quang Thái| 20/11/2019 20:14

(HNMO) - Chiều 20-11, nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2019), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức triển lãm “Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống” tại Bảo tàng Hà Nội.

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, như: Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)… Tranh Hàng Trống đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nghề làm tranh dân gian Việt Nam trở nên hưng thịnh một thời.

Triển lãm “Nghệ thuật đa phương tiện tranh Hàng Trống” nhằm tôn vinh giá trị di sản của tranh Hàng Trống nói riêng và các dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung.

Tại triển lãm trưng bày 50 bức tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên (người duy nhất nắm giữ bí quyết làm tranh Hàng Trống) xoay quanh chủ đề: Tranh thờ, tranh Tết, tranh thế sự… giúp người xem có cái nhìn tổng quát, sâu hơn về dòng tranh này. Đặc biệt, triển lãm còn có một không gian ứng dụng công nghệ “Xử lý thời gian thực” để người xem có thể tương tác với các tác phẩm được trưng bày.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho hay: “Để giữ gìn giá trị cốt lõi của dòng tranh, tôi vẫn áp dụng cách làm của ông cha để lại từ hàng trăm năm như: In mộc bản, làm màu… Dòng tranh này có một sắc thái riêng, mộc mạc, đơn sơ và không theo một quy chuẩn nhất định về bố cục trong hội họa”.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá: “Triển làm này đưa những người yêu thích hội họa đến gần hơn với dòng tranh dân gian, qua đó góp phần gìn giữ, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ trong triển lãm đã tạo sự tươi mới cho những bức tranh, người xem dễ cảm nhận, hiểu được hàm ý ẩn sâu trong tác phẩm”.

Một số hình ảnh trong buổi triển lãm:

Triển lãm thu hút được đông đảo người yêu nghệ thuật.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ tranh tại triển lãm.

Bộ tranh “Tố nữ”.

Tranh “Tứ phủ ông Hoàng”.

Bộ tranh “Tứ bình”.

Tranh “Chợ quê”.

Bộ tranh “Tứ quý”.

Dụng cụ làm tranh như: Con lăn, chổi bồi, bút vẽ, xơ mướp….

Những bức tranh tại triển lãm được ứng dụng công nghệ xử lý thời gian thực.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.