Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lịch sử khoa cử Việt Nam với truyền thống giáo dục Nho học

Hoàng Lân| 26/11/2019 11:39

(HNMO) - Nhiều thông tin về lịch sử khoa cử Việt Nam từ khoa thi đầu tiên cho đến khoa thi cuối cùng của nền giáo dục Nho học ở nước ta đã được các nhà khoa học, sử học cung cấp tại hội thảo khoa học “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” diễn ra sáng 26-11 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các kỳ thi diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh tư liệu).

Hội thảo khoa học nhận được 22 tham luận của các nhà khoa học, đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu như Viện Sử học,Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Dân tộc học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Ban quản lý các di tích, bảo tàng tại Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hoá… Các bài nghiên cứu tập trung tìm hiểu, đánh giá ba nội dung: Lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò và vị thế của Trường Quốc học; truyền thống giáo dục khoa cử của các vùng văn hóa.

TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, tháng Hai năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075), dưới thời vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi Nho giáo tam trường để tuyển chọn người học rộng, tinh thông sách vở bổ dụng làm quan trong triều đình. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta. 

Đến năm 1919, kỳ thi Hội cuối cùng được tổ chức ở Trung Kỳ là dấu mốc chấm dứt chế độ khoa cử Nho học tại Việt Nam. Trải qua 844 năm phát triển, giáo dục khoa cử đã tổ chức 183 kỳ thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị Tiến sĩ, Phó bảng.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Bá Quân, kể từ năm 1070, khi vua Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông xây nhà Quốc Tử Giám trong khuôn viên Văn Miếu để cho con em hoàng tộc và quan lại cấp cao đến học tập thì Nho giáo chính thức trở thành chủ lưu học thuật nước nhà. Các triều đại phong kiến nước ta sau đó có nhiều nỗ lực trong việc chấn hưng Nho học. Triều Lê đã nhiều lần cho in lại “Ngũ kinh đại toàn” và ban cấp làm sách giáo khoa cho Quốc Tử Giám và trường công tại nhiều địa phương.

Hội thảo diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Gắn liền giáo dục Nho học Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tồn tại song hành, gắn bó chặt chẽ, trở thành biểu tượng của nền giáo dục này. Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa, nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của ông cha. 

Tại hội thảo, các vị đại biểu, nhà khoa học thảo luận sôi nổi về kinh nghiệm của nền giáo dục khoa cử và gợi mở những ý kiến cho nền giáo dục hiện nay. Hội thảo tôn vinh tinh thần nhân văn, truyền thống hiếu học của dân tộc, niềm tự hào về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt Nam và việc phát huy giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với giáo dục Việt Nam hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lịch sử khoa cử Việt Nam với truyền thống giáo dục Nho học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.