Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắm lại họa sắc dân gian

Nguyễn Thanh| 08/12/2019 07:06

(HNM) - Khôi phục, gìn giữ và phát huy họa sắc truyền thống đang là hướng đi được nhiều người yêu di sản lựa chọn. Nhờ nỗ lực này, những giá trị xưa của văn hóa dân gian tiếp tục “tái sinh” rực rỡ, trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, chất liệu phong phú tạo tác nên nhiều sản phẩm ý nghĩa trong đời sống đương đại, như một cách khẳng định, tôn vinh bản sắc Việt.

Họa tiết tranh Hàng Trống trên bao bì thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ mềm Homelab.

Tái sinh những điều xưa cũ

Sau thành công của dòng sản phẩm lợn gốm trưng bày, mô phỏng linh vật trong tranh Kim Hoàng, mùa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xưởng gốm Hiên Vân tiếp tục bám sát tinh thần hoa văn, họa tiết Việt trên mẫu thiết kế chuột gốm với kiểu dáng, màu sắc cùng đường nét thân thuộc. Chủ xưởng gốm Hiên Vân, họa sĩ Bùi Hoài Nam Sơn cho biết: Lứa chuột gốm đầu tiên, ra lò cách đây một tháng, đã nhanh chóng "cháy hàng" cũng như được nhiều người đặt mua thêm. Không ít người còn đưa đến cho xưởng những sáng kiến, như: Tạo hình đàn chuột, vợ chồng nhà chuột... cho các mẫu thêm đa dạng, sinh động. Điều này chứng tỏ cộng đồng vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho những giá trị truyền thống, luôn yêu thích những sản phẩm gần gũi với văn hóa dân gian.

Tương tự xưởng gốm Hiên Vân, các nhóm dự án: Hoa văn Đại Việt, Ỷ Vân Hiên, Họa sắc Việt... cũng đang đón đầu mùa Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 với rất nhiều sản phẩm, từ tranh trang trí, phong bao lì xì, lịch bàn, sổ tay, khăn lụa... đến áo dài truyền thống. Theo Trưởng dự án Họa sắc Việt Trịnh Thu Trang (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), những giá trị xưa cũ luôn có giá trị riêng, đóng góp vào giá trị chung của thời đại. Điều cần thiết là làm thế nào khơi dậy, khai thác nguồn tài nguyên đó trong đời sống đương đại cho thật hiệu quả. “Sau khi số hóa thành công hàng trăm mẫu họa tiết tranh dân gian, như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ..., chúng tôi khai thác vốn quý đó trên các sản phẩm dân dụng, sản phẩm thời trang cũng như tư vấn thiết kế mẫu bao bì nhận diện cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Việc làm mới họa tiết cũ của nhóm dự án đã được nhiều nhà sản xuất đón nhận, như: Lụa Nha Xá, mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ mềm Homelab, chè Từ Vân, túi quà The Bloom...”, bà Trịnh Thu Trang chia sẻ.

Còn theo ông Ðinh Phú Quý, Giám đốc Công ty cổ phần Lụa Nha Xá, họa tiết, hoa văn trên lụa luôn là thách thức với những nhà sản xuất hàng thủ công để cho ra đời dòng sản phẩm vừa có tính truyền thống, vừa mang hơi thở thời đại. Việc kết hợp với Họa sắc Việt khai thác họa tiết tranh dân gian trên nền vải lụa đã tạo ra dòng sản phẩm ưng ý, bảo đảm những yêu cầu đề ra. 

Gợi mở hướng đi mới

Sự nở rộ của những sản phẩm gắn với họa tiết, hoa văn truyền thống không chỉ cho thấy tình cảm, tâm huyết của những người yêu di sản trong việc mang lại sức sống mới cho những giá trị xưa cũ, mà còn mở ra hướng đi mới cho dòng sản phẩm phản ánh bản sắc văn hóa trong đời sống đương đại. Bên cạnh những thuận lợi, hướng đi này vẫn còn không ít khó khăn, cần có sự hỗ trợ, tiếp sức.

Theo Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc, mỗi sản phẩm ra đời, được công chúng đón nhận là nguồn động viên rất lớn để doanh nghiệp theo đuổi sự nghiệp đưa mỹ thuật truyền thống vào đời sống đương đại, từng bước lan tỏa giá trị văn hóa Việt. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn còn nặng tính mùa vụ, thậm chí dừng ở mức thí điểm, thăm dò thị trường, chưa sản xuất thường xuyên. Các dự án chủ yếu do người trẻ đảm nhận, kinh nghiệm và cả tiềm năng kinh tế chưa nhiều.

Đây cũng là hạn chế chung của hầu hết chương trình, dự án ứng dụng tinh hoa truyền thống trong sản phẩm đương đại. Để có thể duy trì, nhiều nhóm vẫn phải dựa vào nguồn hỗ trợ gây quỹ. Ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc Công ty Sáng tạo Comicola, nơi thực hiện gây quỹ cho nhiều dự án ứng dụng họa sắc truyền thống thời gian qua cho rằng, hiện còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để động viên, tiếp sức cho các nhóm dự án, như ưu đãi về thuế, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tạo mặt bằng sản xuất, tìm “đầu ra” cho sản phẩm...

Phát biểu tại tọa đàm “Hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo”, được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh, Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Những sáng tạo văn hóa, nhất là những sáng tạo dựa trên di sản văn hóa luôn được thành phố khích lệ, tạo điều kiện phát triển, như: Hợp tác xã Vụn art, Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng...

“Tại Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2019 tới đây, sẽ có rất nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá các sáng tạo từ di sản văn hóa, với sự góp mặt của nhiều sản phẩm đương đại ứng dụng kỹ thuật thủ công từ nhiều làng nghề truyền thống, như: Mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái... Đây chính là cơ hội tốt để các sản phẩm đương đại ứng dụng chất liệu, họa sắc dân gian giới thiệu tiềm năng, tìm hướng phát triển”, bà Phạm Thị Lan Anh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắm lại họa sắc dân gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.