Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chẳng thể là bản sao

Vân Hạ| 23/05/2020 07:25

(HNMCT) - Trong đề từ của nhiều tác phẩm, “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” Trần Bảo Định đều lưu lại mấy câu thơ: “Hiểu nhau nên rất kiệm lời/ Khác ta, đâu hẳn là người thù ta/ Mình từ nguyên bản sanh ra/ Đến khi chết chẳng thể là bản sao!”.

Nhà văn Trần Bảo Định sinh năm 1944 tại Long An. Ông còn có các bút danh khác là Cao Thị Hoàng, Lê Kim Phượng.

Bắt đầu nghiệp văn tương đối muộn nhưng Trần Bảo Định vẫn miệt mài trên con đường văn chương “bất đắc dĩ”. Kể từ tập thơ đầu tiên - Ngao du sơn thủy, xuất bản năm 2012, đến nay “gia tài” của Trần Bảo Định đã là 6 tập thơ, 12 tập văn xuôi và vô số bài báo, tạp bút... Dọc ngang sông nước rừng tràm, rừng đước phương Nam nhiều năm từ khi về hưu, Trần Bảo Định chợt nhận ra, nếu không viết thì “sương thời gian che khuất bao chuyện đời nơi chốn quê nhà”. Và chính chuyện chốn quê nhà đã tạo nên một hồn văn Trần Bảo Định chẳng thể là bản sao của bất kỳ ai.

Chuyện quê nhà của Trần Bảo Định trải dài, từ cảnh nước non đến phong tục tập quán, từ chuyện con người, chuyện loài vật, đến bông trái quê nhà. Dẫu viết về đề tài nào, chất khoáng đạt, giản dị của vùng đất Nam Bộ vẫn ăm ắp trong mỗi tác phẩm của ông. Xen giữa những lời kể chuyện là từng câu ca dao, khúc Dạ cổ hoài lang, bài dân ca Nam Bộ hay những điệu nhạc miền sông nước thênh thang như “đổ” vào từng trang viết nhuần nhuyễn và chân thực đến nao lòng.

Kiếp ba khía là tập truyện ngắn đầu tay của ông, xuất bản năm 2014. Mượn chuyện loài vật để chuyện người chuyện đời, bằng giọng văn hồn nhiên và dí dỏm, ngay sau khi xuất bản, Kiếp ba khía đã thu hút được bạn đọc, điều này cổ vũ Trần Bảo Định vững bước trên con đường văn chương. Sau Kiếp ba khía, ông còn viết nhiều về loài vật: Đời bọ hung, Lia thia trống, Nhện chúa ở hậu liêu chùa Nổi, Thát lát kỳ hôn, Le le - nỗi đau của mẹ, Đời cá hô, Bìm bịp tiếng kêu thương, Cú Mèo - chúa tể đêm, Chuồn chuồn điểm nước, Phận lìm kìm, Chim phương Nam...

Trần Bảo Định còn có bao truyện, ký, tạp bút về những loài cây quen thuộc, về sản vật phương Nam, đồng thời đan kết vào đó những câu chuyện đời người. Là quả bòn bon chứng kiến gia đình thời ly loạn, là cây mận tình người nghĩa đất cù lao, trái tình yêu măng cụt... Phong vị miền Nam qua từng thứ Bông trái quê nhà hiện lên quen thuộc, nhưng cũng có những trang viết đầy xa xót khi Trần Bảo Định nhận ra, trên vùng đất phì nhiêu ấy nhiều giống loài đã và đang dần bị lãng quên mà con người, cần lắm, sự thức tỉnh trước thiên nhiên, môi trường đang dần bị hủy hoại.

Năm 2020, Trần Bảo Định cho ra mắt bạn đọc tập truyện Thương những ngày... - có lẽ nằm trong danh mục chuyện đất và người phương Nam. “Ông già Nam Bộ nhiều chuyện” không chỉ kể chuyện loài vật mà quên mất chuyện con người. “Non sông chính là quê hương, và ai cũng có quê hương để ngưỡng mộ, tôn thờ; để khắc vào lòng nỗi thương nhớ!”.

Trần Bảo Định khắc vào lòng phong tục tập quán quê hương qua Bóng chiều quê; từng dấu ấn lịch sử, từng câu hò, điệu lý, lời ca qua Đất phương Nam ngày cũ, Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Dấu chưn lưu dân, Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Góc khuất dưới chưn đèn; và đặc biệt là dấu ấn của con người. Ông không quên từ những nhân vật lịch sử thời mở đất mở nước, thời đánh giặc, cho đến những con người rất đỗi bình thường trong cuộc đời. Như tập truyện Khói un chiều kể về 12 người phụ nữ vùng đất tam giác Tân An - Mỹ Tho - Gò Công khi Nam Kỳ bị thực dân Pháp xâm chiến, hay Mưa bình nguyên gồm 16 truyện ngắn kể về cuộc đời những nhân vật vùng đất phương Nam có thật nhưng ít được nhắc đến hoặc bị lãng quên. Và, mới đây là tập truyện Thương những ngày, vừa khảo chuyện sử vừa kể chuyện đời, chuyện người, lại quay quắt nhớ nhung, thương yêu ăm ắp những ngày tháng cũ như chính lời thơ ông viết:

“Mai người có về thăm Chàng Riệc
Rừng cũ Tây Ninh lá rụng mùa
Thắp nén hương lòng thương đất chết
Xương tàn cốt rụi đạn bom mưa
Mai người có về thăm rừng cũ
Tôi gởi tình tôi trả lại rừng
Tôi gởi hồn tôi trăng biệt xứ
Sợi buồn treo dốc núi mù sương…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chẳng thể là bản sao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.