Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điện ảnh Hà Nội: Tạo sức bật từ công nghệ

An Nhi| 25/10/2020 06:08

(HNM) - Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ hiện đại đang tạo cơ hội và thách thức mới cho nhiều lĩnh vực, trong đó có điện ảnh. Cùng với phát huy các nền tảng truyền thống, thực tế này đòi hỏi người làm điện ảnh Thủ đô cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, không ngừng đổi mới để tạo sức bật cho sự phát triển của"nghệ thuật thứ bảy".

Điện ảnh Hà Nội không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến để phục vụ người xem. Trong ảnh: “Truyền thuyết về Quán Tiên” là phim được chiếu bằng hệ thống chiếu phim kỹ thuật số Laser 4K hiện đại.

Hiện thực hóa ước mơ làm phim

Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi thực hiện nhiều khâu với nguồn nhân lực sáng tạo lớn. Ngày nay, với những bước tiến vượt bậc về công nghệ, quan điểm trên chưa hẳn “bất di bất dịch”. Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ số và sắp tới là trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần hiện thực hóa ước mơ làm phim của mọi người. Trước đây, để làm một bộ phim cần ê kíp hùng hậu: Viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, đạo cụ, phục trang, diễn xuất, hậu kỳ… Nhưng giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính cá nhân với sự hỗ trợ của các phần mềm, bất cứ ai cũng có thể làm phim.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc lấy ví dụ về cuộc thi Multimedia “Chất Hà Nội” hưởng ứng dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động. Trong đó, thí sinh Phan Tuấn Hải đoạt giải Đặc biệt với bộ phim “Chất”, kể về một chàng trai yêu thích ảo thuật đường phố thực hiện một chuyến đi khắp thành phố để biểu diễn. Chỉ bằng thiết bị ghi hình kỹ thuật số nhỏ, tự mình quay và là nhân vật chính, thí sinh này đã ghi lại nhiều hình ảnh đặc trưng của Hà Nội, gợi cho người xem niềm tự hào về Thủ đô.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Bùi Trung Hải cho biết, điện ảnh đã chuyển đổi từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số và hình thức này đang hỗ trợ các nhà làm phim tạo nên những tác phẩm có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, kỹ xảo hình ảnh không tưởng, đồng thời giảm bớt nhân lực. Công nghệ hiện đại cũng tác động đến việc phổ biến phim thông qua hệ thống rạp chiếu, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khán giả. Mới đây, Trung tâm Chiếu phim quốc gia mạnh dạn đầu tư hệ thống máy chiếu phim kỹ thuật số Laser 4K tân tiến, có độ phân giải cao, hình ảnh sống động, rực rỡ, âm thanh vượt trội. Theo Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương, việc đầu tư này nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu xem phim chất lượng ngày càng cao của khán giả Thủ đô, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh Hà Nội.

Về phía các nghệ sĩ, công nghệ hiện đại, tiện dụng đã tạo cơ hội cho họ phát triển chuyên môn. Nghệ sĩ Quế Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện ảnh Sông Hồng chia sẻ, nhờ công nghệ phát triển, diễn viên có thể học tập kinh nghiệm diễn xuất từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời tự quay diễn xuất của mình trong lúc tập để kịp thời điều chỉnh trước khi ghi hình chính thức.

Song, công nghệ mới cũng tạo nhiều thách thức cho giới hoạt động điện ảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, đó là phải liên tục trau dồi kiến thức, cập nhật trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, phát hành phim để đáp ứng thị hiếu khán giả. Như anh Triệu Thanh Hải (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nói: “Là người yêu thích điện ảnh và công nghệ, nên những phim càng có kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm mới càng thu hút tôi”.

Công nghệ hiện đại tạo cơ hội cho mọi người có thể làm phim. Trong ảnh: Các học viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD thực hành làm phim.

Sức bật mạnh mẽ trên con đường mới

Phải thẳng thắn nhìn nhận, thành tựu của điện ảnh Hà Nội so với các lĩnh vực khác như văn học, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc… còn khá khiêm tốn. Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức nhận định, điện ảnh vẫn chưa có tác phẩm xứng tầm với chất hùng, chất thơ và đầy sức sống của Hà Nội. Điện ảnh Thủ đô cũng chưa trở thành một ngành công nghiệp văn hóa dẫn đầu cả nước như kỳ vọng. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại với những kỹ thuật điện ảnh tiên tiến đang mở con đường mới với sức bật lớn cho điện ảnh Thủ đô phát triển.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc, công nghệ chỉ là “chất xúc tác”, còn để tạo nên tác phẩm điện ảnh giá trị đòi hỏi người làm nghề phải vận động sáng tạo mạnh mẽ. Cuộc sống, con người Thủ đô đậm đặc nét văn hóa riêng và đang không ngừng chuyển động. Đó chính là mạch nguồn sáng tạo của điện ảnh. Trở lại cuộc thi “Chất Hà Nội”, với tư cách là giám khảo, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc nhận thấy, tư duy điện ảnh của thế hệ trẻ Thủ đô rất sáng tạo, hấp dẫn, hoàn toàn có thể phát triển thành những tác phẩm điện ảnh lớn. Vì vậy, Hà Nội cần tổ chức những sân chơi như thế để cổ vũ, kích thích sáng tạo, đem lại chuyển biến mới cho điện ảnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Hà Nội Thái Kế Toại nhấn mạnh thêm, điện ảnh Hà Nội muốn phát triển cần phải có những tác phẩm hay về đất và người Hà Nội trong quá khứ cũng như hiện tại, ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu khán giả hôm nay. Điều này cần sự đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đến công tác sáng tác kịch bản, nâng cao trình độ đạo diễn, diễn viên, quay phim… và phát hành, phổ biến phim.

Ở góc độ chuyên môn, Nghệ sĩ ưu tú Phùng Văn Hà, Phó Tổng Giám đốc Hãng Phim hoạt hình Việt Nam cho rằng, bản thân nghệ sĩ cũng phải liên tục trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, chủ động tiếp cận kỹ thuật, công nghệ điện ảnh tiên tiến để ứng dụng trong hoạt động sáng tạo.

Có những chuyển động đồng bộ trên nền tảng công nghệ hiện đại, chắc chắn điện ảnh Hà Nội sẽ có sức bật mạnh mẽ, phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điện ảnh Hà Nội: Tạo sức bật từ công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.