Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Hà Nội - Tạo hấp dẫn từ trưng bày

Nguyễn Thanh| 02/03/2021 06:22

(HNM) - Sau nhiều tháng dồn lực cho công tác trưng bày, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành khu trưng bày mẫu, với tổng diện tích 180m2, giới thiệu ba nội dung thuộc chủ đề 1 - Thiên nhiên Hà Nội. Đây là cơ sở để các đơn vị thẩm định đánh giá, phê duyệt triển khai các nội dung trưng bày tiếp theo một cách hiệu quả, hấp dẫn du khách, góp phần đưa câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc sắc của Hà Nội đến công chúng.

Các cán bộ, chuyên gia Bảo tàng Hà Nội bảo quản cổ vật phục vụ công tác trưng bày.

Tái hiện sinh động lịch sử, văn hóa Hà Nội

“Trị thủy luôn là vấn đề quan trọng của cư dân Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội. Truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy Tinh với hàng trăm điểm thờ Thánh Tản Viên minh chứng cho ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt, bảo vệ mùa màng và cuộc sống của người dân…”. Dòng chú thích cho phần nội dung “Trị thủy” tại khu trưng bày mẫu, mở ra cho người xem không gian xuyên suốt của hành trình chế ngự thiên nhiên, thúc đẩy vạn vật phát triển hài hòa trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Ở đó, những câu chuyện về địa hình, địa lý, thủy văn… của Hà Nội được kể lại một cách sinh động thông qua những tư liệu, hình ảnh cùng các giải pháp trưng bày, công nghệ in ấn hiện đại, mới mẻ.

Theo Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông và Công chúng (Bảo tàng Hà Nội) Nguyễn Thị Ngọc Hòa, khu trưng bày mẫu được triển khai từ tháng 6-2020, với đầy đủ nội dung, công nghệ, quy chuẩn đồ họa... Cùng với “Trị thủy”, khu trưng bày mẫu còn tổ chức 2 nội dung khác, đó là “Thực vật Ba Vì” và “Động vật”, làm cơ sở để các đơn vị thẩm định đánh giá, phê duyệt triển khai các bước trưng bày tiếp theo. “Với đa dạng cách thức tiếp cận, từ hiện vật, tư liệu, bản đồ… đến phim, mô hình và đặc biệt là nói "không" với hiện vật tái tạo, phục chế, Bảo tàng Hà Nội mong muốn đem đến những cảm nhận đáng giá nhất cho người xem”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết.

Song hành với tổ chức thi công khu trưng bày mẫu, Bảo tàng Hà Nội còn đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức các đợt vận động hiến tặng hiện vật. Đợt hiến tặng hiện vật mới nhất (tháng 12-2020) đã bổ sung cho kho lưu trữ của Bảo tàng Hà Nội gần 1.000 hiện vật quý giá, trong đó phải kể đến các hiện vật: Cấu kiện gỗ của đình Chu Quyến; đầu tàu chạy bằng hơi nước do Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Gia Lâm chế tạo...

Ông Phạm Hồng Ngọc (18B, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm), là người hiến tặng hiện vật chia sẻ: “Hiến tặng kỷ vật mà nhiều thế hệ của gia đình nâng niu, cất giữ gần 100 năm qua, tôi mong góp một phần nhỏ bé vào công cuộc tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá của Hà Nội”.      

"Điểm đến văn hóa" tiêu biểu của Thủ đô       

Cùng với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội” được thực hiện tại khu trưng bày mẫu, nội dung trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Hà Nội có 6 chủ đề lớn, tái hiện một cách đầy đủ và chân thực về chiều dài lịch sử, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của Thăng Long - Hà Nội. Tổng cộng, có gần 10 nghìn mét vuông diện tích trưng bày cùng hơn 70 nghìn hiện vật đang lưu giữ trong kho cơ sở và gần 10 nghìn hiện vật, tài liệu sẽ đưa ra trưng bày thường xuyên. Đề cương ý tưởng kịch bản trưng bày Bảo tàng Hà Nội do các chuyên gia tư vấn tại Pháp xây dựng và được Hội đồng Tư vấn trưng bày Bảo tàng Hà Nội điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, gần gũi hơn với lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, chuyên gia tư vấn trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, sau khi làm việc với các chuyên gia và Hội đồng tư vấn, những người làm công tác trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội đã nhanh nhạy nắm bắt tư duy bảo tàng hiện đại trong khu vực, tận dụng đa dạng ngôn ngữ “kể chuyện” trong hoạt động trưng bày, từng bước đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng trở thành một trong những điểm đến văn hóa tiêu biểu của Thủ đô.

Song song với khu trưng bày mẫu, hiện Bảo tàng Hà Nội đang tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và dự toán tổng thể dự án trưng bày thường xuyên Bảo tàng Hà Nội. Dự kiến trong quý II-2021, trình Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, đề xuất UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các bài giới thiệu, nội dung chú thích hiện vật, tư liệu, hình ảnh; thực hiện các phim tài liệu, video clip cho trưng bày; làm nội dung cho các khu trải nghiệm, khu tái tạo, màn hình tra cứu, hệ thống bản đồ…

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bảo tàng Hà Nội sẽ triển khai thi công các chủ đề trưng bày theo hình thức cuốn chiếu, trong đó các giải pháp trưng bày: Phim, công nghệ tra cứu, đồ họa, tư liệu in ấn hiện đại... sẽ được ưu tiên tối đa, nâng hiệu quả truyền tải tới khách tham quan.

“Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã giao Bảo tàng Hà Nội xây dựng các đề án: Tổ chức đón tiếp khách, bán vé tham quan bảo tàng, khai thác dịch vụ tòa nhà… để chủ động cho công tác mở cửa, đón tiếp khách tham quan khi công tác thi công trưng bày hoàn thành”, ông Nguyễn Tiến Đà thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Hà Nội - Tạo hấp dẫn từ trưng bày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.