Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cần nhiều ''rào chắn'' an toàn

Minh Ngọc| 01/06/2021 06:00

(HNM) - Nhiều vụ việc xảy ra đối với trẻ em gần đây tiếp tục là lời cảnh báo về việc cần xây dựng, thiết lập nhiều “rào chắn” an toàn cho trẻ em từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Điều này càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi đa số trẻ em phải ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19 và bước vào kỳ nghỉ hè.

Gia đình và cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để chăm sóc, bảo vệ trẻ em được tốt nhất. Trong ảnh: Hoạt động của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (quận Cầu Giấy), tháng 3-2021. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều nguy cơ thiếu an toàn

Không phải đến bây giờ, các vụ việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, thậm chí tính mạng của trẻ mới được nhắc nhở, cảnh báo, song nhiều vụ việc vẫn xảy ra.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm 2020 toàn thành phố xảy ra hơn 1.000 vụ việc bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em, làm hơn 1.000 trẻ bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận một số vụ việc phức tạp, nguy hiểm xảy ra đối với trẻ em. Đơn cử là vụ bé gái 3 tuổi bị ngã từ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) xuống đất, dẫn đến tử vong, khiến nhiều người xót xa...

Không riêng Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng có không ít vụ việc đáng tiếc. Đó là vụ 3 chị em ruột trong một gia đình bị đuối nước tại ao nuôi cá của nhà ông bà ngoại ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình); vụ 3 cháu nhỏ rủ nhau đi tắm suối, bị nước cuốn vào hố sâu, dẫn đến tử vong ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định)...

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, mỗi năm cả nước phát hiện hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại; ghi nhận hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước và hơn 300.000 trẻ em bị thương tích do ngã, tai nạn giao thông..., để lại hậu quả nặng nề cho người bị nạn, gia đình và xã hội. Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận trẻ em gặp các tình huống rủi ro, thiếu an toàn. Trong đó, điều dễ nhận thấy là do một số người lớn trong chính gia đình của trẻ còn chủ quan, lơ là, chưa dành sự quan tâm toàn diện tới trẻ.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay là môi trường mạng có nhiều nội dung, hình ảnh không phù hợp với trẻ em. Chẳng hạn, một số kênh thu hút sự tham gia của hàng triệu lượt trẻ em, như Youtube Thơ Nguyễn hay TIMMY TV... vừa bị các cơ quan chức năng xử phạt. Trong khi đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh phải lắp đặt thiết bị kết nối internet để con học tập, vui chơi tại nhà. “Việc để các con tiếp xúc với môi trường mạng internet khi bố, mẹ đi vắng khiến chúng tôi không thể yên tâm”, anh Nguyễn Ngọc Minh (đường Láng, quận Đống Đa) bày tỏ.

Hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội đúng cách, phù hợp với lứa tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội).

Gia đình - “rào chắn” đầu tiên

Sự quan tâm đúng cách của gia đình, người thân là “rào chắn” đầu tiên và tốt nhất, giúp trẻ em tránh được các nguy cơ rủi ro. Để làm được điều này, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng mong muốn các bậc phụ huynh luôn gần gũi, thân thiết với con; qua đó, biết rõ các con đang gặp phải vấn đề gì để giúp con tháo gỡ. Phụ huynh cũng cần để mắt tới con, không để trẻ nhỏ đi lại, vui chơi khi không có sự quản lý của người lớn. Với nhóm trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường mạng internet, phụ huynh nên tìm hiểu để có thể hướng dẫn các con sử dụng đúng cách, phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Đối với trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, chuyên viên tham vấn, hỗ trợ tâm lý Hoàng Hạnh Tâm, Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội) cho rằng, sự quan tâm, chia sẻ của người thân là biện pháp “sơ cứu” ban đầu cho trẻ. Khi các em gặp nạn, người thân phải trở thành điểm tựa. Trong trường hợp người thân là đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ thì trẻ cần được tách khỏi môi trường thiếu an toàn, đưa đến gia đình thay thế có đủ điều kiện, khả năng bảo vệ, chăm sóc trẻ.

Dưới góc độ quản lý ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa đề nghị cơ quan chức năng quan tâm nâng cao chất lượng các mô hình trợ giúp trẻ em ở cơ sở. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay, Sở đang phối hợp với các đơn vị chức năng duy trì hoạt động của hơn 2.000 địa chỉ tạm lánh, ngôi nhà bình yên ở cộng đồng; đồng thời nhân rộng mô hình “ngôi nhà an toàn” tại các xã, phường, thị trấn. Từ cuối tháng 3-2021 đến nay, các cơ quan chức năng còn triển khai rộng rãi chiến dịch truyền thông, với chủ đề “Con an toàn - cha mẹ ở ngay đây”, góp phần nâng cao nhận thức của gia đình và người chăm sóc trẻ về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ở cấp độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, ngoài những giải pháp đã triển khai, Bộ đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 (diễn ra từ ngày 1-6 đến 30-6), các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với trẻ em, nhằm lan tỏa thông điệp “Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất. Bố, mẹ hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ bằng hành động”... 

Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 1642/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch thực hiện hoạt động trẻ em trong gia đình năm 2021 để mang đến cho các em những cơ hội phát triển tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Cần nhiều ''rào chắn'' an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.