Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn thận kẻo ''tiền mất tật mang''

Dung - Hiệp| 14/05/2022 06:26

(HNM) - Mời chào người có nhu cầu đi làm việc, du học nước ngoài thông qua các website, mạng xã hội, sau đó thu tiền và cho khách hàng ăn “bánh vẽ”, rồi cao chạy xa bay... đó là thủ đoạn lừa đảo khiến nhiều gia đình điêu đứng. Các cơ quan chức năng cảnh báo, để không bị "tiền mất tật mang", người dân cần thận trọng khi đăng ký du học, xuất khẩu lao động trên mạng...

Người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động nên truy cập các trang web của cơ quan có thẩm quyền để tìm hiểu và đăng ký. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo

Mới đây, Công an quận Long Biên nhận được đơn tố giác Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA ở phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên) lừa nhiều người lao động nộp tiền để đi nước ngoài... Anh P.V.T, một nạn nhân quê ở Nghệ An cho biết, qua mạng xã hội anh được Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA mời chào đi làm tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Tháng 5-2019, công ty yêu cầu mỗi người đóng trước 50% tiền phí để học tiếng Nhật. Trong hợp đồng, công ty cam kết trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, anh P.V.T sẽ được cấp giấy tờ hợp pháp để sang lao động ở nước này. Anh P.V.T đã vay mượn ngân hàng gần 100 triệu đồng để lo thủ tục, song đến nay không thể liên lạc được với công ty, phải kiếm việc làm thêm để trả nợ...

Một trong những “trùm” lừa đảo du học và xuất khẩu lao động là Đỗ Văn Đồng - Giám đốc Công ty TNHH Taiyo Japan quốc tế (quận Nam Từ Liêm). Mặc dù, công ty này không có chức năng đưa người đi nước ngoài du học và làm việc nhưng vẫn mời chào trên các website, mạng xã hội. Khi “cá cắn câu” thì đối tượng này làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu sang nước ngoài lao động. Với thủ đoạn như vậy, Đồng đã lừa trót lọt hàng chục người, chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng... Đầu tháng 4-2022, Đỗ Văn Đồng bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết án 13 năm tù.

Cũng cách đây không lâu, Công an quận Bắc Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đinh Thị Quỳnh, ở phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức thu tiền của những người có nhu cầu đi du học Hàn Quốc. Đây là vụ việc lừa đảo điển hình, đánh vào tâm lý muốn đi học ở nước ngoài của nhiều gia đình để chiếm đoạt tài sản.

Dù không được cấp phép xuất khẩu lao động nhưng Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA vẫn tổ chức đào tạo và thu tiền trái phép của người lao động.

Người lao động hãy thận trọng

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nhiều trung tâm hứa hẹn với khách hàng chắc chắn đỗ vào trường đại học ở nước ngoài hoặc có thị thực dễ dàng. Đây là quảng cáo không đúng thực tế vì có được theo học hay không là quyết định của hội đồng tuyển sinh của trường đó. Còn cấp thị thực là quyền của cơ quan ngoại giao... Loại học bổng như các trung tâm quảng cáo đều là trá hình vì các trường chỉ trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc và được thông báo công khai.

Về các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) liên tục khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin, chỉ đăng ký tham gia chương trình du học và xuất khẩu lao động thông qua các cơ quan chức năng. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc chỉ có thể đăng ký qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương. Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin tại Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.38249517 hoặc thông tin trên website: dolab.gov.vn.

Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cảnh báo, có không ít trường hợp các đối tượng thành lập công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, thu tiền dịch vụ của khách hàng nhưng bán lại hồ sơ cho các trung tâm khác hoặc tiêu xài cá nhân, rồi cao chạy xa bay. Do vậy, các phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ, không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng để rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, qua các vụ án đã được khám phá gần đây cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài, có dấu giả và chữ ký giả mạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, các đối tượng còn dụ dỗ người dân đi xuất khẩu lao động “chui” thông qua các con đường du học, du lịch, thăm người thân, kết hôn giả rồi bán cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm lừa đảo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo về phương thức, thủ đoạn phạm tội của những đối tượng xấu từ cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn thận kẻo ''tiền mất tật mang''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.