Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả dữ liệu số hóa từ Đề án 06

Nam Trung| 23/03/2023 11:06

(HNMO) - Sau 1 năm triển khai Đề án 06, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Trong giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành, các cấp của thành phố quyết tâm hoàn thành các mục tiêu của đề án quan trọng này, gắn với xây dựng thành phố thông minh.

Lợi ích của tài khoản định danh điện tử từ Đề án 06.

Những kết quả khả quan

Đề án 06 có tên gọi đầy đủ là “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, các cấp, các ngành của thành phố đã phối hợp triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đợt cao điểm cấp hơn 7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử (CCCD), xếp thứ 5 toàn quốc. Đã số hóa tàng thư hộ khẩu với gần 1,56 triệu/gần 1,75 triệu vị trí túi hộ (điểm cư trú thực tế của các thành viên hộ gia đình trên sổ hộ khẩu trước đây), đạt 89,1%. Cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho gần 1,5 triệu/hơn 5,8 triệu trường hợp, đạt 25.3%. Hiện, Bộ Công an đang đối sánh 12,8 triệu dữ liệu hộ tịch đã được số hóa của thành phố Hồ Chí Minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những tiện ích người dân được thụ hưởng từ Đề án 06.

Sở Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội đồng bộ hơn 5,5 triệu CCCD với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực. Có 404 cơ sở y tế đã sử dụng CCCD trong khám, chữa bệnh. Số lượng công dân sử dụng CCCD trong khám, chữa bệnh là gần 1,6 triệu người. Số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD khám, chữa bệnh tra cứu có thông tin là hơn 1,2 triệu người.

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp 424 dịch vụ công trực tuyến. Riêng số hồ sơ được giải quyết trong tháng gần đây nhất (từ ngày 15-1-2023 đến ngày 14-2-2023) là 10.178 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến trung bình đạt 57,1%. Việc này giúp cải tiến, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Dữ liệu tích hợp vào căn cước công dân gắn chip.

Đặc biệt, với những dữ liệu dân cư đã được số hóa, lần đầu tiên ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh thí điểm tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 với học sinh theo địa chỉ cư trú thực tế (không phân tuyến theo hộ khẩu như trước đây) từ tháng 4-2023. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các trường sẽ tuyển học sinh ở gần trường nhất, căn cứ theo các lớp dữ liệu bản đồ số địa lý (GIS) để các em không phải đi học xa.

Ông Trần Văn Thư (81 tuổi; ngụ tại đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3) chia sẻ: “Tôi không ngờ một chiếc CCCD gắn chip giờ lại có thể thay thế nhiều giấy tờ đến vậy".

Lan tỏa những tác động tích cực

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, tính đến đầu năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh còn 2 hạn chế lớn, cần khắc phục ngay trong quá trình thực hiện Đề án 06 đặt trong tổng thể Đề án Xây dựng thành phố thông minh và Đề án Chuyển đổi số của thành phố. Một là thành phố triển khai 5 dịch vụ công chậm và đạt tỷ lệ thấp so với cả nước. Hai là việc số hóa ở bộ phận một cửa của sở, ngành, quận, huyện chưa đạt yêu cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh còn muốn phát huy hơn nữa hiệu quả từ 5 nhóm tiện ích của Đề án 06.

Để khắc phục những hạn chế này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu từng sở, ngành, địa phương rà soát lại để triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 18 nhiệm vụ của Đề án 06 năm 2023; thực hiện nghiêm các quy định về bỏ hộ khẩu; tập trung triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc cần phối hợp tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết ngay.

Đáng chú ý, để phát huy hiệu quả hơn nữa các tác động tích cực của Đề án 06, đầu tháng 2-2023, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nhiều chỉ tiêu cụ thể.

Nổi bật là đến năm 2025, thành phố có 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất và thường xuyên cập nhật phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị. Hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh. Hoàn thành dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu-chi ngân sách, giải ngân đầu tư công.

Mô hình tạo lập, quản trị, khai thác dữ liệu số của thành phố Hồ Chí Minh.

Các sở, ngành, UBND các địa phương cấp huyện mỗi năm có ít nhất 1 sáng kiến sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định. 100% cơ sở dữ liệu của thành phố phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu của thành phố, được bảo đảm an toàn thông tin theo đúng quy định.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Cần lan tỏa các tác động tích cực của Đề án 06 đến phần còn lại của nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số. Ngược lại, việc triển khai hiệu quả 2 đề án trên sẽ giúp cho Đề án 06 phát huy đồng bộ hơn. Tất cả đều chung mục tiêu quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hiệu quả dữ liệu số hóa từ Đề án 06

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.