Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chúng tôi không chấp nhận những người như ông Lê Hiếu Đằng

Trí Dũng| 24/12/2013 06:03

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 23-12-2013, trong mục "Suy ngẫm đầu tuần" có đăng bài "Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật đào thải". Trước hết, với tư cách là một đảng viên 15 năm tuổi Đảng, tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả Hoàng Thu Vân khi cho rằng việc ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam là chuyện "hết sức bình thường", là kết cục tất yếu của quy luật đào thải.


Tôi nghĩ rằng, kế thừa thành quả của những lớp người đi trước, hơn 4 triệu đảng viên đang không ngừng cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, không cần những con người như ông Lê Hiếu Đằng. Thế hệ chúng tôi, dù không được tôi luyện trong đấu tranh gian khổ, trong hiểm nguy thử thách như những lớp người đi trước, nhưng chúng tôi luôn xác định rõ: Lập trường tư tưởng, bản lĩnh kiên định của mỗi cán bộ, đảng viên là rất cần thiết trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy mà một con người như ông Lê Hiếu Đằng lại đòi "phải tính sổ" và "thanh toán" với Đảng. Không biết ông có còn trân trọng những gì mình đã nhận thức và hành động ngay từ thời trai trẻ cũng như 40 năm qua mà nay "xét lại" bản thân như vậy?

Nhân đây cũng xin trao đổi thêm cùng ông Lê Hiếu Đằng và bạn đọc một số vấn đề để thấu đáo hơn mọi chuyện. Có lẽ không chỉ tác giả Hoàng Thu Vân mà nhiều người khác cũng đã nêu về những sai lầm, lệch lạc trong suy nghĩ của ông Lê Hiếu Đằng, nhưng cụ thể điều đó là như thế nào?

Sau hai bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh" và "Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng", ngày 4-12-2013 ông đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã viện cớ để đưa ra quyết định này là vì "Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc)…". Nhưng hãy xem "cảm xúc" và so sánh của ông về những tháng ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám và sau đó tham gia kháng chiến. Theo suy nghĩ của ông, những người tham gia cách mạng rồi theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đi vào chiến khu chứ ít hoặc chưa biết chủ nghĩa Marx là gì, Chủ nghĩa xã hội ra sao? Phải chăng, ông cho rằng, những người tiên phong theo Đảng, tham gia cách mạng giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột là cảm tính? Phải chăng, ông cho rằng mọi người khi đánh giá về chế độ cũ đều phải bùi ngùi như ông cảm nhận trong việc đang ở tù được gia đình làm đơn xin cho đi thi? Thế nên ông mới nêu câu hỏi, không biết với chế độ gọi là "ưu việt" hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chuyện của ông hay không? Chắc là không nhiều người khi "xét lại" có đủ những điều kiện như thế để "thở dài", luyến tiếc chế độ cũ và hối tiếc việc mình đã tham gia trong hàng ngũ những người cộng sản để tranh đấu xóa bỏ nó.

Với ông, lợi ích của đất nước, của dân tộc được đặt lên trên hay chỉ là mượn "vỏ bọc" của những người lo cho nước, cho dân để che đậy "cá nhân chủ nghĩa" của mình?

Quả thật, đây chính là nguyên do dẫn đến việc ông Lê Hiếu Đằng trở thành "hiện tượng". Ông cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân. Nhiều người đã nhận xét, đánh giá, đó chỉ là suy nghĩ phiến diện của cá nhân ông Lê Hiếu Đằng. Nhưng nội hàm bên trong của chuyện ấy cụ thể là như thế nào? Một người vốn là luật gia, từng "khoe" có đọc nhiều sách triết học "đông tây kim cổ"... rồi từng giảng dạy ở trường Đảng như ông Lê Hiếu Đằng chắc chắn hiểu rõ điều này. Bản chất cách mạng, tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam là tập hợp những người ưu tú, sẵn sàng hy sinh, tranh đấu vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, là không thay đổi. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân. Tất nhiên, trong đội ngũ đảng viên không phải không có những con người lòng dạ không trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Có những con người nghĩ tới và mưu cầu chuyện đó ngay từ khi gia nhập Đảng. Lại có những con người ngày hôm qua mục tiêu, động cơ phấn đấu để đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam là trong sáng nhưng thực tế cuộc sống cùng những cám dỗ đời thường đã khiến họ bị tha hóa, biến chất. Vì vậy, trên con đường phát triển, quá trình đào thải mang tính quy luật là tất yếu xảy ra để Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, củng cố sức mạnh để lãnh đạo đất nước và dân tộc. Không chỉ là việc xử lý kỷ luật bằng các hình thức trên 10.000 đảng viên mỗi năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được ban hành cũng là để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, dễ đụng chạm đến lợi ích, quan hệ… đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân và cả đồng chí của mình, do đó rất khó, rất phức tạp. Nhưng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay".

Ông Lê Hiếu Đằng nói vì tâm huyết với đất nước, bức xúc nên tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất đó là sự ngụy biện của một đảng viên đã mất hết lý tưởng và ý chí chiến đấu. Và nghiêm trọng hơn là việc ông đã nhầm lẫn giữa bản chất tốt đẹp trước sau như một của Đảng Cộng sản Việt Nam với một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Như phân tích ở trên, có lẽ ông cũng nằm trong "một bộ phận cán bộ, đảng viên" đó. Vậy nên, ông không thể đứng cùng chúng tôi trong một đội ngũ.

Bà Lê Thị Huyền (giáo viên hưu trí, phường Quang Trung, quận Hà Đông):
Mỗi người cần có lập trường tư tưởng vững vàng

Việc ông Lê Hiếu Đằng xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là chuyện hết sức bình thường nếu không có sự "hỗ trợ", "tiếp sức" của một số trang mạng xã hội và một số đối tượng cố tình muốn thổi phồng sự kiện để nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng trên muốn tác động vào tư duy, ý chí của một bộ phận cá nhân chưa vững vàng, thiếu kiên định về lập trường chính trị, hay những người còn ảo tưởng về chính trị mà thế lực thù địch đang hướng vào ở Việt Nam. Do vậy, mỗi người cần có định hướng đúng đắn để khỏi rơi vào "bẫy" của một nhóm người đang đi ngược lại lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân…

Ông Vũ Bình (đảng viên phường Hàng Bột, quận Đống Đa):
Nhân dân sẽ đào thải những con người như thế

Ông Lê Hiếu Đằng đã từng là người tham gia đấu tranh để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước rồi trở thành cán bộ cao cấp trong nhiều năm, nay lại quay ngoắt phủ nhận sạch trơn những gì ông đã theo đuổi, rồi kêu gào phải thay đổi thể chế. Không cần nói ra, mọi người đều hiểu chính ông ta đang tự biến mình thành con rối cho những kẻ cơ hội giật dây điều khiển. Một Đảng có hơn 4 triệu đảng viên, loại bớt đi những đảng viên biến chất sẽ làm cho đội ngũ của Đảng trong sạch hơn. Thậm chí, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam đào thải Lê Hiếu Đằng, mà chắc chắn nhân dân sẽ đào thải bất cứ cá nhân, tổ chức chính trị nào, một khi họ tự biến mình thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước, của dân tộc:

Ông Đỗ Mạnh Hưng (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai):
Xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản, biểu hiện thoái hóa, biến chất... đã được đưa ra khỏi Đảng không phải ít. Hơn 80 năm qua, để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn duy trì tốt sinh hoạt đấu tranh tự phê bình và phê bình, qua đó đã kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng nhiều đảng viên mắc khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, hơn 4 triệu đảng viên cả nước đã kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Theo cá nhân tôi, việc ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tuyên bố ra khỏi Đảng cũng là việc bình thường. Bởi chính ông đã phủ nhận những thành quả mà đất nước ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tức là phủ nhận chính mình.

PV Ban Bạn đọclược ghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi không chấp nhận những người như ông Lê Hiếu Đằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.