Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bé gái 10 tháng tuổi tử vong sau bú sữa bình

Theo Dân trí| 18/03/2015 22:21

Sau khi cho con tu bình sữa (vừa nằm vừa bú bình), thấy bé ngủ, người mẹ đi ra khỏi phòng. Đến khi quay lại để xem con, chị tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái. Dù đã được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ cố gắng can thiệp nhưng em bé đã tử vong.


Bé gái 10 tháng tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu khoảng 10h15 phút sáng 17/3, trong trạng thái toàn thân tím ngắt, ngừng thở, ngừng tim.

Ảnh minh họa


BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết ngay khi tiếp nhận bệnh nhi tím tái, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, ép tim, đặt nội khí quản liên tục trong 1 giờ đồng hồ nhưng không thể cứu được cháu bé. Bé vào viện đã ở trạng thái tím tái, ngừng thở, ngừng tim hoàn toàn.
Theo người nhà bệnh nhi, bé gái này mấy hôm nay đang bị rối loạn tiêu hóa, có nôn trớ. Sáng 17/3, bé được mẹ cho nằm bú bình. Bé vừa ngủ, vừa bú hết một bình sữa. Thấy con ngủ yên, người mẹ ra khỏi phòng làm việc, chuẩn bị cháo cho con. Sau một hồi lâu không thấy trẻ trở mình, o oe người mẹ mới vào để đánh thức con dậy. Vào đến nơi, trẻ đã toàn thân cứng đờ, người tím tái, người mẹ mới vội bế con lao ra gọi taxi đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo các bác sĩ khoa Nhi, do bé đã tử vong nên không thể xác định nguyên nhân chính xác, nhưng trong đó nghĩ nhiều đến khả năng bé bị trào ngược trong khi nằm ngủ, dẫn đến sữa trào vào đường thở, khiến bé ngạt thở.

Cũng trong ngày 17/3, tại BV Nhi Trung ương các bác sĩ cũng cấp cứu cho một trường hợp bị sặc sữa trong tình huống khá đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi Trung ương) trên đường đi làm về, vừa đi bộ ra khỏi khoa gặp ngay cảnh người mẹ trẻ vừa khóc vừa bế đứa con nhỏ đang chạy vào khoa Cấp cứu.

Thấy vậy, bác sĩ Hiếu vội vàng tiến đến xem thì thấy em bé toàn thân tím tái, ngừng thở, trương lực cơ mềm nhẽo. Bác sĩ Hiếu vội vàng đỡ lấy đứa trẻ, vừa chạy vừa ép tim ngoài lồng ngực đi thẳng lên tầng 2 khoa sơ sinh (mất khoảng 30 giây). Trong 30 giây ngắn ngủi đó bác sĩ kịp thấy trẻ è è được chừng 2 tiếng.
Vì thế, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng bé bị sặc và tắc nghẽn đường thở nên đã tiến hành cấp cứu, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực, hút sạch đờm dãi. May mắn, sau khoảng 1 phút được ép tim và bóp bóng em bé khóc trở lại được, hồng hào, trương lực cơ khá dần lên, không cần phải đặt ống nội khí quản.
Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, một vài tháng đầu đời, hội chứng trào ngược (hay còn gọi là nôn trớ) khá phổ biến, nhất là khi trẻ ăn hay bú quá no. Đây được gọi là nôn trớ sinh lý, không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ bị nôn trớ khi nằm mà cha mẹ không phát hiện, thức ăn có thể trào ngược vào đường thở gây sặc.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh xảy ra khi thức ăn của trẻ đi ngược từ dạ dày lên thực quản, thay vì đi theo chiều tự nhiên từ thực quản xuống dạ dày. Nguyên nhân có thể do dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, hệ tiêu hóa chưa ổn định và do tư thế cho trẻ bú chưa đúng. Trong đó, việc trẻ nằm bú là một trong những nguy cơ có thể gây tình trạng này.

Vì thế, để hạn chế nguy cơ từ trào ngược dạ dày, thực quản phải rất lưu ý khi cho trẻ bú. Theo đó, với trẻ em không nên ăn ở tư thế nằm (có trẻ nằm bú bình, vừa bú, vừa ngủ, có những trẻ nằm ăn bột) rất dễ gây sặc. Khi ăn no, để hạn chế tình trạng trào ngược thì cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vuốt dọc lưng trẻ giúp cho trẻ ợ hơi. Khi ợ được hơi, đẩy hơi từ dạ dày ra ngoài trẻ sẽ đỡ bị nôn trớ hơn. Sau ăn chừng 15 - 20 phút, sau khi đã làm trẻ ợ hơi mới nên đặt nằm trẻ nhưng vẫn cần để mắt để kịp thời phát hiện nếu trẻ có trớ, tránh nguy cơ bị sặc vào đường thở.
Với những trẻ có nguy cơ bị trào ngược thì nên đặt trẻ nằm dốc 30 độ (toàn thân trẻ đặt dốc trên cùng một mặt phẳng chứ không phải đặt trẻ nằm trên gối cao, chỉ cao phần đầu) và nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kỹ, phòng những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé gái 10 tháng tuổi tử vong sau bú sữa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.