Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 240.000 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

Bảo Hân| 12/11/2015 09:02

(HNMO) - Đầu giờ làm việc sáng 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2016-2020.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG


Báo cáo giải trình, tiếp thu về tổng kết tình hình thực hiện CTMTQG giai đoạn 2011-2015 và định hướng CTMTQG giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, 5 năm qua, việc thực hiện 16 CTMTQG đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, do mục tiêu của các chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Do vậy, việc tổ chức lại và lựa chọn 2 CTMTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề có tầm quốc gia và cũng là những nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay. Việc lựa chọn này sẽ tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả các CTMTQG.

Đối với các CTMTQG của giai đoạn trước thì không loại bỏ hoàn toàn mà đã rà soát, sắp xếp bố trí hợp lý ở 37 dự án thành phần vào 21 chương trình mục tiêu với quy mô hợp lý hơn nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, 37 dự án thành phần này sẽ tiếp tục được Quốc hội giao Chính phủ rà soát để loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, bảo đảm thực hiện chương trình hiệu quả.

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2016-2020 gồm 9 điều nêu rõ:

Danh mục các CTMTQG giai đoạn 2016-2020 bao gồm CTMTQG xây dựng nông thôn mới và CT MTQG giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu cụ thể của CTMTQG xây dựng nông thôn mới là đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Mục tiêu cụ thể của CTMTQG giảm nghèo bền vững là góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Về kinh phí thực hiện, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nguồn lực thực hiện Chương trình tuy còn hạn hẹp song đã được tăng cường từ 3-4 lần so với giai đoạn trước.

Nguồn lực NSNN bố trí cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã tăng từ 170.000 tỷ đồng  lên 193.155,6 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí bố trí từ NSNN cho 2 CTMTQG lên 239.316,6 tỷ đồng. 


Do nguồn lực từ NSNN chỉ chiếm trên 20% tổng nguồn lực dự kiến đầu tư cho 2 CTMTQG. Quốc hội giao Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp huy động nguồn tín dụng nhà nước, tín dụng thương mại, đóng góp của nhân dân và đầu tư của các doanh nghiệp để huy động tốt các nguồn lực thực hiện chương trình.

Qua biểu quyết, đã có 436 đại biểu đồng tình (chiếm 88,26% tổng số đại biểu Quốc hội) thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 240.000 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.