Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Văn phòng công chứng lách luật, mở chi nhánh ngoài trụ sở

Hà Phong| 30/12/2015 17:12

(HNMO) - Ngày 30-12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Công chứng TP Hà Nội phản ánh, theo quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 121 tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 104 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã nhưng vị trí chưa trải đều. Có hiện tượng trên một đường phố, khoảng cách giữa 2 trụ sở chỉ khoảng 1000m.

Trong khi đó, có những phường xa trung tâm như phường Sài Đồng-Long Biên, tiếp giáp huyện Gia Lâm lại chưa có tổ chức hành nghề công chứng nào. Hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm công chứng vẫn xảy ra.

Sai phạm điển hình là một số Văn phòng công chứng bố trí điểm tiếp nhận hồ sơ công chứng ở các địa bàn ngoài trụ sở của tổ chức, không niêm yết lịch làm việc; thu phí công chứng, thù lao công chứng cao hơn quy định, thu phí không ghi biên lai, hóa đơn hoặc thu cao hơn nhưng khi ghi hóa đơn chỉ thu bằng mức phí niêm yết; vi phạm quy định về lưu trữ hồ sơ công chứng hay trích lại phần trăm thù lao công chứng cho người yêu cầu công chứng…, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng.

Về phía các văn phòng công chứng cũng phản ánh, tình trạng một loại giao dịch là mua bán nhà ở nhưng người dân có thể ra công chứng hoặc đến Ủy ban nhân dân xã chứng thực, khiến các tổ chức công chứng hoạt động khó khăn.

Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, chứng thực chỉ chứng nhận sự việc, chữ ký, chứ không chứng nhận nội dung. Trong khi đó, công chứng phải bảo đảm về nội dung của hợp đồng, giao dịch. Vì vậy, nên khuyến khích người dân đến công chứng tại các cơ sở đã mở trên địa bàn để nhận được sự an toàn pháp lý cao hơn. Trong tương lai, khi mạng lưới công chứng đã được mở rộng, cấp xã không nên thực hiện chứng thực nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Văn phòng công chứng lách luật, mở chi nhánh ngoài trụ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.