Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm Luật Đê điều tại địa phận huyện Quốc Oai, Hoài Đức: Xử lý xong lại tái phạm

Đỗ Hà| 16/05/2016 07:05

(HNM) - Mái đê, cơ đê bị lấp bởi đất, phế thải xây dựng; mặt đê bị chiếm dụng để tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), đỗ xe ô tô, dựng lều lán bán hàng… là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay dọc tuyến đê tả và hữu Đáy qua địa phận huyện Quốc Oai, Hoài Đức. Điều đáng nói là vi phạm diễn ra ngày càng

Cơ đê tả Đáy qua địa phận xã An Thượng (Hoài Đức) trở thành bãi chứa đất, phế thải.


Bất cứ ai đi qua khu vực đê tả Sông Đáy phía hạ lưu thuộc địa phận xã An Thượng (Hoài Đức) đều có thể thấy hàng trăm mét khối đất, phế thải xây dựng được đổ tràn lan nối tiếp nhau trên mái, cơ đê. Tại Km15+800, cả một đoạn cơ đê dài gần 100m từ lâu đã biến thành bãi tập kết đất, phế thải của hộ ông Nguyễn Mạnh Kết, thôn Thanh Quang, xã An Thượng. Thực tế tại đây, phóng viên nhận thấy, lúc nào cũng có 5-6 chiếc xe ô tô đang đứng đợi múc đất để chở đi. Song, lạ một điều là hành vi vi phạm của hộ ông Kết chưa được xử lý.

Ông Lê Thiên Dương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hoài Đức cho biết, ngay từ khi phát hiện vi phạm (ngày 6-7-2015), đơn vị đã lập biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều đối với hộ ông Kết có hành vi đổ đất trên mái đê với khối lượng 25m3, đồng thời đề nghị UBND xã An Thượng xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến ngày 14-7-2015, khi Hạt Quản lý đê Hoài Đức tái kiểm tra đối với hộ ông Kết thì vi phạm trên vẫn diễn ra.

Ngoài hộ ông Kết, trong năm 2015, khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên tuyến đê tả Đáy (từ Km15+500 đến Km15+700) qua địa phận xã An Thượng, Hạt Quản lý đê Hoài Đức đã phát hiện, lập biên bản vi phạm với hành vi đổ gần 100m3 đất, phế thải lên mái, cơ đê, tuy nhiên khu vực này không xác định được chủ vi phạm. Được biết, trước thực trạng vi phạm đổ đất, phế thải lên mái, cơ đê ngày càng nghiêm trọng, không được xử lý, từ tháng 7-2015 đến nay, Hạt Quản lý đê Hoài Đức, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã nhiều lần có công văn gửi UBND xã An Thượng, UBND huyện Hoài Đức đề nghị, đôn đốc xử lý nhưng đến nay mọi chuyện vẫn im ắng.

Mái đê hữu Đáy qua xã Đồng Quang (Quốc Oai) oằn mình cõng phế thải xây dựng.


Dọc tuyến đê tả Sông Đáy qua huyện Hoài Đức còn rất nhiều điểm vi phạm với mức độ khác nhau, như đoạn Km11+600 - Km11+700 thuộc địa phận xã Song Phương (khu vực Dốc Ba Cây) bị một số đối tượng đổ nhiều phế thải và tập kết VLXD. "Từ năm 2005, Hạt Quản lý đê Hoài Đức đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, đề nghị UBND xã Song Phương xử lý, nhưng đến nay vẫn tồn tại. Lý do mà chính quyền xã đưa ra là địa phương không còn chỗ tập kết VLXD nào khác nên phải "tạo điều kiện" cho nhân dân có chỗ đổ đất, tập kết vật liệu" - ông Dương cho biết. Ngoài ra, theo thống kê của Hạt Quản lý đê Hoài Đức, trên địa bàn còn gần 100 vi phạm như làm lều lán, chuồng trại, trồng cây, chất tải gỗ, VLXD trên mặt, mái và cơ đê… thuộc địa bàn 9 xã có đê chạy qua.

Tương tự, tại tuyến đê hữu Sông Đáy, xã Đồng Quang (Quốc Oai), vi phạm đổ đất, phế thải, tập kết VLXD lên mặt, mái và cơ đê diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, ở đoạn đê gần lối xuống thôn Yên Nội (hướng từ thị trấn Quốc Oai về) thường xuyên hiện hữu những đống cát, sỏi được đổ từ mặt đê tràn xuống chân đê, kéo dài suốt từ năm này qua năm khác. Hằng ngày, máy xúc, xe ô tô đỗ ngay trên mặt đê để xúc, vận chuyển hàng đi bán nhưng cũng không bị xử lý. Đoạn đê gần đó (phía bên đồng) gần đây cũng bị một số đối tượng đổ trộm phế thải với khối lượng cả trăm mét khối. Ngoài ra, đoạn đê từ đầu thôn Yên Nội đến đầu thôn Đồng Lư còn rất nhiều vi phạm tương tự.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao các trường hợp vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn xã rất nhiều, chính quyền không xử lý, ông Vũ Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết, hằng năm UBND xã đều phối hợp với các ngành chức năng của huyện ra quân xử lý vi phạm hành lang giao thông, đê điều, tuy nhiên cứ xử lý xong các hộ lại tái phạm. Điển hình là 6 hộ kinh doanh phế liệu, VLXD. Trong khi đó, vấn nạn đổ phế thải chính quyền chưa xử lý được nhiều vì các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm nên không bắt được quả tang.

Vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê Sông Đáy qua địa phận huyện Quốc Oai và Hoài Đức diễn ra ngày càng "nóng", thế nhưng có một thực tế là cứ xử lý xong lại tái phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm Luật Đê điều tại địa phận huyện Quốc Oai, Hoài Đức: Xử lý xong lại tái phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.