Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để BHXH Hà Nội "cán đích", còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Minh Huệ| 28/09/2017 23:36

(HNMO) -  Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 55% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)...

Nhiều giải pháp thu nợ BHXH

Năm 2017, BHXH Việt Nam giao cho BHXH thành phố Hà Nội thu BHXH, BHYT, BHTN gần 33.383 tỷ đồng (tăng 16,1% so với năm 2016); tỷ lệ nợ là 4,04%; số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.572.846 người, BHXH tự nguyện là 34.292 người, BHYT là 6.107.785 người, BHTN là 1.503.158 người. UBND thành phố Hà Nội giao BHXH thành phố chỉ tiêu bao phủ BHYT là 82,8%.

Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, trong 7 tháng qua, trên địa bàn thành phố có 6.047.459 người tham gia BHXH, BHYT (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: 1.431.495 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 21.891 người tham gia BHXH tự nguyện; 727.553 người tham gia BHYT theo hộ gia đình; 3.866.520 người chỉ tham gia BHYT (gồm: hưu trí, mất sức lao động, trẻ em dưới 6 tuổi, thân nhân công an, quân đội, người có công). Đến hết tháng 7-2017, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố đạt 82,5% dân số.

Trong 7 tháng đầu năm nay, BHXH thành phố thu BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và thu BHXH tự nguyện đạt hơn 19.000 tỷ đồng (tăng 28,9% so cùng kỳ năm trước), bằng 57,1% kế hoạch giao, trong đó: thu BHXH bắt buộc 13.667,8 tỷ đồng; thu BHYT 4.311 tỷ đồng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm và làm việc với BHXH Hà Nội ngày 8-8-2017. (Ảnh: Viết Thành)


Lãnh đạo BHXH thành phố cho biết, nhằm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Chính phủ, Thành ủy giao đến năm 2020, BHXH thành phố tiếp tục mở rộng đại lý thu để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 643 đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình với 1.404 điểm thu (mỗi xã có từ 2 điểm thu trở lên), 1.819 nhân viên đại lý (so với năm 2016 tăng 150 điểm thu và 206 nhân viên đại lý). BHXH thành phố hiện đang quản lý 64.709 đơn vị tham gia BHXH, BHYT. Trong 7 tháng đầu năm 2017, BHXH thành phố mở rộng được 5.367 doanh nghiệp, với 16.740 lao động, nâng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT lên 51.701 doanh nghiệp, tăng 18% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, BHXH thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu được giao. Trong đó, BHXH thành phố phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 25-5-2017 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; tham mưu, đề xuất UBND thành phố ban hành công văn số 610/UBND-KGVX ngày 16-2-2017 về phối hợp tăng cường thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. BHXH thành phố đã cùng với Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Thuế Hà Nội tổ chức triển khai quy chế phối hợp liên ngành số 1460/QCPH-CA-LĐTBXH-LĐLĐ-CT-BHXH ngày 21-6-2017 “Về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020”… Sau một thời gian triển khai, đã có 75 đơn vị tự giác nộp đủ số tiền nợ là 25,8 tỷ đồng.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Mặc dù BHXH thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ nhưng đến hết tháng 7-2017, tổng số tiền nợ BHXH là 3.378 tỷ đồng (chiếm 10,1% kế hoạch thu). Tuy số tiền nợ BHXH giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất cả nước. Trong đó có 23.955 doanh nghiệp nợ với số tiền 2.612 tỷ đồng (chiếm 77,3% tổng số nợ BHXH), ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 334.694 lao động.

Đáng lo ngại, trong số các doanh nghiệp nợ BHXH có 4.569 doanh nghiệp ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể với số tiền 478,8 tỷ đồng (chiếm 18,3% tổng số nợ của doanh nghiệp). Đến nay, chưa có phương án xử lý nợ đối với những doanh nghiệp này và giải quyết chế độ của người lao động.

Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, việc xác định được địa chỉ, số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động trên địa bàn thành phố và số lao động thực tế đang sử dụng trong các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dù BHXH thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Cục Thuế Hà Nội cập nhật danh sách các doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trên địa bàn, từ đó phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị tham gia BHXH, nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế…

Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa BHXH thành phố. (Ảnh: Viết Thành)


Trong khi đó, công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Luật BHXH năm 2014, tổ chức công đoàn khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động thì phải có sự ủy quyền của người lao động, nhưng thực tế, người lao động trong doanh nghiệp muốn khởi kiện chủ doanh nghiệp cũng gặp khó khăn như có thể bị mất việc làm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa đạt 100%, hiện còn 8,4% học sinh, sinh viên chưa tham gia (tập trung ở số sinh viên từ năm học thứ hai trở đi). Một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT có tình trạng sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sai điều kiện và định mức quy định của Bộ Y tế; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật… làm tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Từ đó gây khó khăn trong việc cân đối quỹ BHYT.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, BHXH thành phố kiến nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Thanh tra thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao trách nhiệm thanh tra các doanh nghiệp trốn đóng hoặc nợ BHXH, BHYT, BHTN, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với các doanh nghiệp còn nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, đề nghị UBND thành phố xem xét không tôn vinh, khen thưởng, không cho tham dự đấu thầu, là nhà đầu tư theo quy định.

Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiếp tục thực hiện Quyết định 33/QĐ-UBND ngày 5-1-2011 của UBND thành phố Hà Nội về thu tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố. Cục Thuế Hà Nội khi thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp cho BHXH được cử cán bộ cùng tham gia thành viên đoàn nhằm tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo.

Thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH thành phố thực hiện trao đổi thông tin thường xuyên về người lao động đang tham gia BHXH nhưng mất việc làm, chuyển sang hưởng chế độ thất nghiệp và ngược lại. Bên cạnh đó, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước thành phố tiếp tục phối hợp với BHXH thành phố thực hiện liên thông dữ liệu điện tử về tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố để tiến tới đạt dịch vụ công mức độ 4 về kê khai, đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để BHXH Hà Nội "cán đích", còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.