Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật Quy hoạch: Cần công khai càng nhiều càng tốt!

Bảo Hân| 25/10/2017 17:49

(HNMO) - Ngày 25-10, được đưa ra thảo luận lần thứ 3 tại Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.


Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ ba, QH đã thảo luận, cho ý kiến lần 2 về dự án Luật. Các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, các ĐBQH còn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật. Để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Do đó, tại kỳ họp trước, QH đã quyết định chưa thông qua dự án Luật này để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.

Trong lần trình dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ tư, Uỷ ban Thường vụ QH cho rằng, việc lập quy hoạch đô thị, nông thôn đã được quy định ở luật riêng (Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng). Tuy nhiên, để bảo đảm tính hệ thống, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và chỉ có hiệu lực khi được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Việc công bố, công khai quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của luật này, pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Trong phần thảo luận, đoàn ĐBQH Hà Nội đóng góp 3 ý kiến phát biểu với nhiều nội dung đáng chú ý. Mong muốn dự án luật sẽ được QH thông qua tại Kỳ họp, ĐB Hoàng Văn Cường bày tỏ e ngại, bước vào thời kỳ chiến lược 2021 - 2030, khi các quy hoạch cũ hết hiệu lực nhưng quy hoạch mới chưa được lập thì đầu tư sẽ thực hiện dựa vào đâu?

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội).


"Chúng ta đều biết rằng quy hoạch nếu được xây dựng thì sẽ tự nó tạo một nguồn lực phát triển. Nhưng nếu chúng ta không có quy hoạch mà cứ đầu tư sau đó quy hoạch sau thì sẽ tạo ra một sự tàn phá rất ghê gớm" - ĐB Cường nêu.

Để dự luật khi được thông qua sẽ sớm đi vào thực tiễn, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị điều chỉnh lại quy trình lập quy hoạch theo chu trình "2 lên một xuống" để trong khoảng thời gian từ 2 -3 năm sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch và tích hợp được tất cả nội dung vào đồng bộ với nhau

ĐB Cường cũng đồng tình việc phải có quy hoạch vùng để khắc phục tình trạng quy hoạch các tỉnh đang chia cắt, "băm nát" các nguồn lực phát triển và tạo sự chia rẽ giữa các tỉnh với nhau như hiện nay. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật còn khoảng trống là chưa quy định cơ quan quản lý quy hoạch vùng. Do đó, ĐB đề nghị trước mắt thành lập một Hội đồng vùng gồm các tỉnh trong vùng để điều hành. Về lâu dài sẽ cần phải nghiên cứu lại việc tổ chức hệ thống các tỉnh hiện nay có phù hợp hay không.

Góp ý về thời kỳ quy hoạch, ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị đối với quy hoạch của tỉnh phải từ 20 năm trở lên, của vùng phải từ 30 năm trở lên, quốc gia từ 50 năm trở lên. Hàng năm sẽ tiếp nhận các ý kiến bổ sung nhưng cứ 5 năm xem xét một lần. ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), cũng cho rằng, thời kỳ quy hoạch nêu trong dự thảo là 10 năm là quy định cứng nhắc.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).


"Tôi đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân biết. Khi chúng ta xây dựng quy hoạch cần lấy ý kiến nhưng khi quy hoạch làm xong cần công khai ở mức nhiều nhất cho nhân dân biết vì tất cả mọi thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai" - ĐB Nguyễn Anh Trí nêu.

ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, quy định lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức hội thảo, hội nghị như trong hội thảo chưa đầy đủ. Nhiều vấn đề chuyên sâu thì cộng đồng không thể hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến không hiệu quả. Theo đại biểu này, cần có nhiều hình thức lấy ý kiến cộng đồng. Đồng thời, có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận là bao nhiêu để đồ án quy hoạch được thông qua.

Tán thành với nhiều ĐB đã phát biểu trước đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung quy hoạch Thủ đô vào hệ thống quy hoạch quốc gia. Việc quy hoạch Thủ đô nếu không được xây dựng và kiểm soát một cách có hiệu quả thì sẽ luôn bị phá vỡ và phải đề nghị lại xin cơ chế đặc thù.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng cho rằng đây là luật rất khó và quan trọng. Sau Kỳ họp thứ ba cho ý kiến Ban soạn thảo phối hợp Ủy ban Kinh tế Quốc hội hết sức nỗ lực nghiên cứu tiếp thu tối đa tất cả ý kiến các đại biểu, cố gắng hoàn chỉnh bảo đảm chất lượng tốt nhất để đưa ra  Kỳ họp thứ tư lần này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.


"Về quy hoạch Thủ đô, chúng tôi thấy đã được quy định trong các điều khoản của Luật Thủ đô. Đây là một loại quy hoạch đô thị, do vậy sẽ được thực hiện theo quy hoạch về đô thị. Tuy nhiên, những vấn đề về vĩ mô liên quan đến phát triển của Thủ đô thì được xem xét trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành quốc gia cũng sẽ được xem xét" - Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng giải đáp kiến nghị của ĐB Trần Thị Quốc Khánh.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải có nghiên cứu tiếp thu để làm sao bắt đầu lập quy hoạch cho đến khi kết thúc quy hoạch đến cấp tỉnh là thời gian ngắn nhất.

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ĐBQH, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế QH và các cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình QH thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Quy hoạch: Cần công khai càng nhiều càng tốt!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.