Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi “bà hỏa” núp dưới tầng hầm

Tiến Thành| 28/10/2017 06:46

(HNM) - Thực tế, việc xây dựng các tầng hầm làm nơi đỗ ô tô, xe máy là rất cần thiết đối với các công trình nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các tầng hầm của nhiều tòa nhà chưa được chú trọng đúng mức, nguy cơ cháy, nổ luôn hiện hữu.


Tầng hầm nhà chung cư là nơi dễ xảy ra mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.



Thiếu an toàn cháy, nổ

Ngày 18-8-2017, tại tầng hầm tòa nhà T2 thuộc Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ hỗn hợp Thăng Long Victory (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) xảy ra cháy do chập tủ điện. Vụ việc được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cùng lực lượng tại chỗ khống chế kịp thời, không gây ra thiệt hại về người và tài sản. Sau khi khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi gây cháy tại công trình của chủ đầu tư. Điều đáng nói là vào thời điểm trên, công trình tòa nhà T2 vẫn chưa được cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Có mặt tại khu vực tầng hầm công trình nhà ở kết hợp dịch vụ số 75 Phương Mai (quận Đống Đa), có thể thấy công tác phòng cháy, chữa cháy tại đây khá sơ sài. Tầng hầm nơi đây chính là khu vực để ô tô và xe máy của tòa nhà. Với cả nghìn người làm việc và sinh hoạt mỗi ngày nên vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô được xếp kín hết lối đi. Theo thiết kế, hầm để xe của tòa nhà có 2 lối ra vào nhưng trên thực tế chỉ một lối duy nhất được sử dụng dành cho cả chiều xe lên và xuống hầm. Lối đi còn lại được đóng chặt nhằm “bảo vệ an toàn cho phương tiện gửi trong hầm”. Ngoài ra, cầu thang dành cho người đi bộ và cũng là lối thoát hiểm nhưng lại không được trang bị cửa ngăn khói. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra hệ thống chữa cháy vách tường tại tầng hầm này cũng không có nước. Nguy hiểm hơn, hệ thống tủ điện của tòa nhà đặt dưới tầng hầm chỉ cách nơi để xe máy chưa đầy 2m. Do đó, nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ phương tiện, tài sản tại tầng hầm, thậm chí có nguy cơ gây thiệt hại về người khi khói, khí độc có thể lan từ dưới lên các tầng trên của tòa nhà.

Tại chung cư CT10 (Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì), qua công tác kiểm tra cuối tháng 9 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) xác định, tầng hầm của chung cư này thi công màng ngăn cháy bằng nước không đúng theo thiết kế; buồng thang bộ dẫn từ tầng hầm lên tầng 1 chưa tách biệt hoàn toàn với thang bộ chung của tòa nhà bằng vách ngăn cháy. Ngoài ra, hệ thống chữa cháy tự động cho các phòng kỹ thuật điện tại tầng hầm chưa được thi công, quạt hút khói chưa được bảo vệ chống cháy. Do đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 đã tham mưu với UBND huyện Thanh Trì ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với khu vực tầng hầm chung cư CT10, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên về hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, trong tầng hầm của các tòa nhà cao tầng nếu có đặt các hầm chứa nước thải, rác thải có thể hình thành việc tích tụ khí metan gây nổ. Bên cạnh đó, hiện tượng tích tụ hydrocarbon từ khói thải, cộng với sự rò rỉ nhiên liệu của các động cơ xe thường xuyên ra vào tầng hầm cũng dễ dẫn đến việc "bà hỏa" ghé thăm…

Cần có tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4174/UBND-ĐT về “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình ngầm đô thị nói chung và bãi đỗ xe ngầm nói riêng. Do đó, các chủ đầu tư thường sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế, xây dựng và không ít trường hợp đã không tuân thủ đầy đủ để tiết giảm chi phí đầu tư.

Ý thức chủ quan, lơ là của người dân cũng như chủ đầu tư, cùng với lỗ hổng về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại các tầng hầm đã khiến cho nguy cơ cháy nổ nơi đây luôn hiện hữu và nếu để xảy ra sự cố thì thiệt hại thật khó lường.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết, khi xảy ra cháy ở các công trình ngầm, khói nhanh chóng truyền ra khắp nơi với mật độ dày đặc. Điều kiện thoát khói ra bên ngoài rất hạn chế, nên nhiệt độ đám cháy trong các tầng hầm tăng lên rất nhanh. Nếu hệ thống thông gió hút khói, tăng áp chống khói và hệ thống thoát nạn của công trình hoạt động không hiệu quả thì mức độ thiệt hại do cháy gây ra đối với con người và tài sản sẽ rất lớn. Công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng gặp khó khăn, phức tạp hơn vì lối tiếp cận hiện trường hạn chế, khói thoát ra nhiều che khuất tầm nhìn và nhanh chóng chiếm khoảng không gian ở tầng hầm. Cùng với đó, phương tiện chuyên dụng và kinh nghiệm để tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ dưới tầng hầm hiện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho rằng, khi có sự cố cháy, nổ tại tầng hầm, người dân cần bình tĩnh, nhanh chóng thoát hiểm và áp dụng những biện pháp chống cháy, khói, khí độc, không nên quá lưu tâm đến phương tiện, tài sản mà bỏ phí "thời gian vàng" để thoát thân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi “bà hỏa” núp dưới tầng hầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.