Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tính răn đe, tăng ý thức chấp hành luật

Ngân Khánh| 30/12/2017 07:39

(HNM) - Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, được Quốc hội sửa đổi, bổ sung và thông qua ngày 20-6-2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không còn bó hẹp trong phạm vi người sử dụng phương tiện tham gia giao thông,

Người đi bộ không chấp hành luật giao thông dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn. Ảnh: Anh Tuấn



Luật sư Hoàng Ngọc - Trưởng Văn phòng luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự (91 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa):Quy định mới là cần thiết

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đi bộ vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ là hoàn toàn mới so với quy định của pháp luật hình sự trước đây. Theo đó, đối tượng của tội phạm mở rộng hơn, bao gồm cả người đi bộ thay vì chỉ gồm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Đứng ở góc độ đời sống xã hội, việc hình sự hóa một hành vi vi phạm pháp luật bước đầu đều gây bất ngờ và hoang mang trong dư luận bởi từ trước tới nay, người đi bộ thường không phải chịu trách nhiệm với bên bị thiệt hại. Đứng ở góc độ pháp lý, quy định hình sự hóa đối với hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của người đi bộ là cần thiết. Thực tế, người đi bộ vi phạm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ diễn ra rất phổ biến. Mặc dù đã có chế tài xử phạt nhưng việc áp dụng xử lý vi phạm hành chính còn nhiều hạn chế. Nhiều người đi bộ tùy tiện sang đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác, thậm chí gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Tuy nhiên, với quy định mới này, không phải bất cứ hành vi vi phạm nào của người đi bộ đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Khoản 3 Điều 260, chỉ khi người thực hiện hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mới có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm và cao nhất là 15 năm tù giam.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp (Tân Triều - Thanh Trì): Tạo điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng cho người đi bộ


Theo quy định mới, việc tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm của người đi bộ khi tham gia giao thông đường bộ nhằm ngăn chặn vi phạm. Nếu trường hợp người đi bộ cố tình vi phạm và sự vi phạm đó gây ra tai nạn thì việc xử lý là không bàn cãi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cũng cần xác định rõ lỗi thuộc về người đi bộ hay người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, hiện nay đang có sự bất hợp lý, thiếu đồng bộ trong việc phân bổ, bố trí các vị trí cho người đi bộ qua đường như: Biển báo, đèn báo hiệu, các hầm chui, cầu vượt... Nhiều tuyến đường có dải phân cách cứng hoặc rào phân cách làn đường, người đi bộ muốn qua đường phải đi hàng cây số mới đến điểm mở để sang đường. Một số nơi, vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ trông giữ phương tiện khiến họ buộc phải đi xuống lòng đường. Những bất cập trên khiến ý thức người đi bộ khi tham gia giao thông bị giảm xuống. Xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ là một trong những biện pháp cần thiết để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức của người đi bộ khi tham gia giao thông. Nhưng để quy định này thật sự hiệu quả, trước tiên cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng cho người đi bộ.

Bà Nguyễn Thu Hiền (Khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy): Luật phải đi vào cuộc sống


Thực tế tại Hà Nội, người đi bộ vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến, không chỉ tại các tuyến phố nói chung, mà thậm chí là ở các tuyến phố có mật độ phương tiện đi lại lớn được bố trí cầu vượt dành cho người đi bộ, các tuyến đường có dải phân cách, đường vành đai đã có hầm đường bộ... Tôi nhớ trước đó (năm 2016), Cảnh sát giao thông Hà Nội đã từng triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm giao thông với người đi bộ. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt hành chính từ 50.000 đến 120.000 đồng với các lỗi: Đi không đúng phần vạch sơn dành riêng cho người đi bộ; đi đúng vạch sơn nhưng không đúng hiệu lệnh đèn giao thông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, việc áp dụng bắt lỗi người đi bộ lại bị lơ là, bỏ qua. Do đó, với quy định mới này, đừng để luật lại chỉ ban hành trên giấy, mà phải đi vào cuộc sống. Tôi mong rằng, với chế tài nặng hơn, việc đi bộ khi tham gia giao thông sẽ vào nền nếp.

Ông Phạm Minh Phương (phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng): Không để tình trạng người đi bộ luôn vô can khi gây ra tai nạn

Thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra chỉ vì người đi bộ cố tình qua đường, dù phải trèo hàng rào sắt, vượt dải phân cách cứng. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng chế tài để xử phạt hành vi này, ngăn chặn vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tất nhiên, với bất kỳ tai nạn giao thông nào, tất cả đều xuất phát từ lỗi vô ý, ngoài mong muốn của người vi phạm. Song, cũng đã đến lúc không thể linh động ưu ái người đi bộ; không thể cứ tiếp tục mãi tình trạng bất kỳ tai nạn giao thông nào xảy ra, người đi bộ gây tai nạn thì vô can, người điều khiển mới có tội. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng, bên cạnh việc tăng chế tài, thì cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cũng cần giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, bố trí lối sang đường hợp lý...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tính răn đe, tăng ý thức chấp hành luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.