Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đóng góp thầm lặng cho mùa lễ hội văn minh

Linh Nhi| 03/03/2018 07:26

(HNM) - Mùa lễ hội năm nay ở Hà Nội, nổi bật là nét văn minh, quy củ; nhiều hủ tục, mê tín dị đoan được xóa bỏ, thay vào đó là các trò chơi truyền thống dân gian được phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo đảm an toàn. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp thầm lặng của những


Âm thầm giữ bình yên lễ hội

Những ngày xuân, nhà nhà, người người đi trẩy hội, nhưng ít ai biết những lễ hội an toàn, văn minh, rực rỡ, hay sự trang nghiêm nơi thờ tự, có sự đóng góp của những người thầm lặng hy sinh niềm vui riêng để giữ bình yên, mang an vui đến cho du khách thập phương. Cụ Nguyễn Ngọc Lung, 73 tuổi, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh (Sóc Sơn) là một điển hình. Đã hơn chục năm làm “cụ từ” trông nom đèn nhang hương hoa, đón tiếp khách về tham quan, cúng lễ ở đền Sóc, cụ Lung chưa ngày nào ngơi nghỉ, mà đều đặn liên tục từ sáng sớm đến tối để chăm lo việc “nhà Đền”. Cụ Lung chia sẻ, 12 năm không đón giao thừa, ăn Tết ở nhà, ngay cả khi gia đình có việc hiếu, hỷ, cụ vẫn thu xếp thời gian trong ngày đến Đền làm công việc giữ tôn nghiêm, sạch sẽ nơi thờ tự...

Đoàn viên thanh niên tham gia hướng dẫn giao thông tại phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ). Ảnh: Bình Minh


Bên cạnh những người trực tiếp làm việc trong đền, chùa nơi diễn ra lễ hội, những tình nguyện viên là thanh niên, trung niên, thậm chí cả người cao tuổi cũng âm thầm góp phần làm lễ hội thêm vui. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khu dân cư 1, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) từ chối đi du xuân, để cùng 60 thanh niên tình nguyện trên địa bàn quận chia làm nhiều nhóm, trực ngày 2 ca, sắp xếp xe, hướng dẫn du khách lối vào điểm trông xe đúng giá; nhặt, thu gom rác giữ sạch môi trường khu vực phủ Tây Hồ và các điểm đình, chùa trên địa bàn. Chị Thảo bộc bạch: "Dù vất vả, phải từ bỏ các cuộc hẹn, nhưng em vẫn vui vì thấy đóng góp nhỏ bé của mình mang đến an vui cho nhiều người...".

Trong màn mưa phùn, giá rét, khi mọi người đầm ấm quây quần bên gia đình vui xuân đón Tết, thì hàng trăm đoàn viên, thanh niên huyện Mỹ Đức âm thầm ở các ngã tư, ngã năm, những điểm bắn pháo hoa, để trông xe miễn phí và điều tiết giao thông. Anh Nguyễn Văn Ninh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Đại Nghĩa tâm sự: Là thanh niên chúng em không ngại gian khổ, miễn sao giữ bình yên, an toàn, văn minh lễ hội chùa Hương cùng những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng...

Nhiều hủ tục được xóa bỏ

Nhờ có sự âm thầm đóng góp của những tấm lòng tình nguyện mà Lễ hội xuân Mậu Tuất ở nhiều nơi được đánh giá có chuyển biến tốt. Điển hình như Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn) năm nay khác mọi năm bởi phần lễ được cải tiến, song vẫn bảo đảm chu đáo, đầy đủ lễ nghi. Tại lễ rước kiệu hoa tre diễn ra trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy “cướp” lộc; những hủ tục như Đội hộ vệ trong lễ rước kiệu mang theo gậy gộc được xóa bỏ. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn Vương Nguyên Minh cho biết, trước lễ hội nhiều tháng, MTTQ đã phối hợp với Ban tổ chức bàn bạc thống nhất với nhiều phương án quyết tâm để lễ hội phát huy truyền thống dân gian nhưng văn minh, quy củ. Ban Công tác mặt trận các làng, xã, thôn xóm đều họp và lập ban công tác tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại các lễ hội trên địa bàn; kiên trì tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, từ bỏ mê tín hủ tục, gây mất an ninh trật tự, được nhân dân đồng tình ủng hộ, không còn cảnh chen lấn, bói toán, cờ bạc trá hình, thay vào đó là hội thi nấu ăn, đấu vật, đi cà kheo, cờ tướng...

Lễ hội truyền thống La Khê tại di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa - Bia Bà (quận Hà Đông), những hoạt động tín ngưỡng, văn hóa cũng có nhiều đổi mới tích cực. Ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND phường La Khê cho biết, nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau lễ hội năm nay, Công an phường La Khê tăng cường tuần tra, kiểm soát nắm bắt địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, dân quân tự vệ, kết hợp với lực lượng an ninh di tích đi tuần tra và giám sát qua hệ thống camera được lắp đặt quanh khu di tích phát hiện, ngăn chặn trộm cắp bảo vệ tài sản cho du khách.

Bí thư Quận đoàn Tây Hồ Bùi Thế Cường chia sẻ, là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, đình, đền, chùa của Hà Nội, nên Quận đoàn lập Đội Thanh niên tình nguyện gồm 60 đoàn viên tiêu biểu phối hợp với lực lượng công an địa phương trong phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông; vận chuyển, kê, xếp bàn ghế đại biểu phục vụ lễ hội; hỗ trợ, cung cấp các thông tin cho khách du lịch về thời gian, địa điểm diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên còn cung cấp thông tin về các hoạt động trong lễ hội; nơi ăn, chỗ nghỉ, các địa điểm tham quan, du lịch trên địa bàn.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, từ 1-2-2018, Thành đoàn lập đề án chỉ đạo 30 quận, huyện; mỗi địa phương thành lập ít nhất một Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách đến tham quan danh thắng, lễ hội với ba nhiệm vụ chính: Tuyên truyền về giá trị lịch sử của di tích, danh thắng, cùng các chủ trương chính sách của thành phố; giữ vệ sinh môi trường; hỗ trợ Ban quản lý phục vụ mọi người đến tham quan, du xuân.

Sự nhiệt tình và công sức của những người âm thầm vì cộng đồng đã và đang góp phần làm nên mùa lễ hội văn minh, an toàn. Đó là những đóng góp rất trân trọng và cũng là nét đẹp văn hóa của mùa lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp thầm lặng cho mùa lễ hội văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.