Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một công trình giao thông kết hợp với văn hóa điển hình

19/04/2018 06:05

(HNM) - Việc trưng bày, xin ý kiến rộng rãi của nhân dân Thủ đô và cả nước đóng góp ý kiến xây dựng ga tàu điện ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị Hà Nội vừa qua là cần thiết.

Người dân Hà Nội xem phối cảnh ga tàu điện ngầm đặt cạnh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Duy


Có thể thấy, việc quy hoạch vị trí tuyến đường sắt đô thị và ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được tiến hành tỉ mỉ và thận trọng. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2007 đã xem xét 2 phương án trong nghiên cứu hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án (SAPROF) và chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (nghiên cứu HAIDEP); trong giai đoạn điều chỉnh thiết kế cơ sở từ năm 2011 đã được tư vấn chung (liên danh OCJV) khảo sát và nghiên cứu đề xuất thêm 7 phương án khác.

Sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu - nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, khoảng cách hợp lý giữa các ga, ảnh hưởng trong quá trình thi công, tác động tới môi trường cảnh quan..., phương án đề xuất hiện tại có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao nhất. Phương án này cũng đã tham khảo ý kiến của một số nhà lịch sử, văn hóa, chuyên gia như: Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội... và công dân sống xung quanh khu vực ga C9. Sự quan tâm đầy trách nhiệm cùng với những phân tích khoa học hoàn toàn khiến chúng ta có thể yên tâm.

Không có một công trình vĩnh cửu, mang tính lịch sử nào mà không có sự hy sinh nào đó để duy trì sự phát triển bền vững, nhất là những công trình mang tính phục vụ cộng đồng, trong đó ga C9 là một ví dụ. Hệ thống Metro của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt về quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu của Hà Nội với phần hướng tuyến và các nhà ga ngầm và nổi, ga C9 - hồ Hoàn Kiếm là một vị trí lựa chọn phù hợp với quy hoạch chung của đường sắt đô thị Hà Nội.

Đặc biệt, tâm đắc nhất là việc phân kỳ thi công làm 3 giai đoạn rất khoa học và đáp ứng với yêu cầu thực tế phát triển của Hà Nội ở giai đoạn 1: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, giai đoạn 2: Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và giai đoạn 3: Nội Bài - Nam Thăng Long. Nếu thi công đúng tiến độ, chúng ta sẽ có một tuyến từ hồ Hoàn Kiếm (trụ sở UBND thành phố) đến các sở, ngành sẽ làm việc trong tương lai (đường Võ Chí Công). Tuyến này có ý nghĩa làm giảm đáng kể nhu cầu đi lại trên mặt đất, giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đã được duyệt tại quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2 trong tương lai sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 5 tại khu vực nút giao Văn Cao, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 tại khu vực vườn hoa Hàng Đậu - Long Biên và khu vực Đại học Bách khoa, Đại Cồ Việt - hầm Kim Liên; kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3 tại khu vực nút giao Hàng Bài - Trần Hưng Đạo và khu vực ga Lê Đức Thọ của tuyến 3; kết nối với tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông tại khu vực Thượng Đình, kết nối với tuyến số 4 tại Thượng Đình và Hoàng Quốc Việt, kết nối với tuyến số 5 tại khu vực nút giao phố Văn Cao - Hoàng Hoa Thám và nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Đạo Thúy,… Việc kết nối này sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt đô thị liên kết với loại hình giao thông khác thống nhất, tạo thuận tiện, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân.

Ga C9 là một trong 7 ga ngầm của dự án, nằm trong không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đặt ngầm dưới mặt đất gồm 4 lối lên xuống được bố trí là hợp lý. Đối với người tham gia giao thông sẽ giải quyết được đầy đủ các hướng và bảo đảm sự lựa chọn của người tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến các dòng xe chuyển động trên mặt đất. Chúng ta xây dựng ga C9 không chỉ cho xe điện, mà cần phải xem đó là không gian văn hóa cho khu vực hồ Hoàn Kiếm, một công trình văn hóa điển hình.

Tiến sĩ Trần Danh Lợi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một công trình giao thông kết hợp với văn hóa điển hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.