Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm xã hội bắt buộc mới bao phủ được 25,8% lực lượng lao động

TTXVN| 24/04/2018 07:09

Ngày 23-4, tại Hà Nội, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ tám, cho ý kiến thẩm tra về các nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ủy ban sẽ được trình tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào tháng 5-2018.


Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến ngày 31-12-2017, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13.591.492 người, tăng 5,76% so với năm 2016, đạt kế hoạch đề ra nhưng mới bao phủ được 25,8% lực lượng lao động, tỷ lệ tăng thấp hơn so với năm 2016. Số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 11,59% so với năm 2016 nhưng mới chỉ đạt 78% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,46% so với năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016...

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá vẫn còn tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hiệu quả tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn; việc thúc đẩy mở rộng diện bao phủ còn chậm và chưa có giải pháp đột phá để thu hút các đối tượng tham gia, góp phần mở rộng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội như mục tiêu. Đặc biệt, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách mới được áp dụng từ ngày 1-1-2018 nhưng chưa được hướng dẫn kịp thời dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Tình trạng chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội xảy ra ở hầu hết các địa phương...

Một số ý kiến cho rằng, việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thu bảo hiểm y tế cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc chưa bảo đảm yêu cầu tiết kiệm đối với các khoản chi cho hoạt động quản lý bộ máy, chi cho con người, chưa khuyến khích ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các nội dung về đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý, sử dụng chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm chưa được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đúng mức.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện luật, đặc biệt là đối với công tác phát triển đối tượng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… và công tác chỉ đạo, điều hành ở các địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm xã hội bắt buộc mới bao phủ được 25,8% lực lượng lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.