Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế trong chống úng ngập ở ngoại thành

Kim Nhuệ| 11/05/2018 07:01

(HNM) - Dù đã được thành phố quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhưng khi xảy ra các trận mưa lớn, bất thường, hệ thống thủy lợi của khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm Hạ Dục (huyện Chương Mỹ).


Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN& PTNT Hà Nội), nhờ sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp thủy lợi nên thiệt hại do úng ngập gây ra cho khu vực ngoại thành năm 2017 đã giảm so với cường độ, tính chất của mưa lũ. Tuy nhiên, ứng phó với các đợt mưa đặc biệt lớn, năng lực hệ thống thủy lợi của thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế. Bởi nhiều tuyến sông, kênh mương đang bị chia cắt, lấn chiếm, đổ rác…

Ví như, sông Nhuệ nhiều năm chưa được nạo vét, lòng sông bị bồi lắng cao hơn thiết kế từ 0,5m đến 1m. Sông La Khê với tổng chiều dài 6,8km, nhiều đoạn bồi lắng, đáy kênh bị tôn cao trung bình từ 0,5m đến 0,7m. Sông Duy Tiên với tổng chiều dài 21km, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã đầu tư nạo vét 5,5km, còn lại chưa được nạo vét, hiện một số đoạn sông bị bồi lắng từ 0,7m đến 0,9m gây cản trở dòng chảy... Về hệ thống trạm bơm, do được xây dựng từ những năm 1960-1970 nên nhiều công trình trên địa bàn thành phố cũng bị xuống cấp, hư hỏng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình khí tượng thủy văn năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa ở khu vực Bắc Bộ sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8. Đỉnh lũ lớn nhất năm ở thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức báo động II, báo động III. Khu vực TP Hà Nội nhiều khả năng xảy ra ngập úng cục bộ.

Để hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ngập úng khu dân cư vùng ngoại thành, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đã đề nghị 5 doanh nghiệp thủy lợi triển khai các phương án phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2018. Các doanh nghiệp đang tiến hành tu bổ, sửa chữa hư hỏng các trạm bơm, cống tiêu, hồ đập, thiết bị cơ điện; nạo vét các trục tiêu bị bồi lắng; giải tỏa vi phạm, bèo rác trên các trục kênh tiêu; vận hành thử các trạm bơm…

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã giải tỏa các vi phạm công trình thủy lợi, bố trí vật tư, nhân lực, trang thiết bị phục vụ chống úng tại các điểm xung yếu trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thủy lợi trong khai thác, quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi phục vụ chống úng tại địa phương... Tổng công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra, tu bổ các tuyến đường dây cao thế, trạm biến áp; có phương án xử lý kịp thời các sự cố; ưu tiên cung cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động ổn định, hết công suất để phòng, chống úng…

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thực hiện vận hành các công trình tiêu úng trong hệ thống đúng quy định; vận hành các trạm bơm tiêu hỗ trợ hệ thống sông Nhuệ khi mực nước ở mức cao; sớm cải tạo, nâng cấp cống Long Tửu để thực hiện giải pháp tiêu thoát nước hệ thống sông Ngũ Huyện Khê qua cống Long Tửu khi mực nước sông Cầu lên cao, mực nước sông Đuống ở mức thấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế trong chống úng ngập ở ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.