Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa

Bảo Hân| 24/05/2018 09:03

(HNMO)- UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án

Hà Nội xác định hệ thống chung cư cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể dẫn đến thảm họa.


Đề án nêu rõ, trên thế giới, trong vài chục năm trở lại đây đã xảy ra nhiều thảm họa. Rủi ro, thảm họa có thể xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế, đô thị, môi trường, y tế, an ninh....; có thể do tác động của thiên nhiên hoặc do con người gây nên.

Tại Việt Nam, rủi ro do thiên tai, lũ lụt xảy ra trên hầu khắp cả nước. Ngoài ra, cũng đã xảy ra một số sự cố mang tính thảm họa có nguyên nhân từ con người như tai nạn lật tàu hỏa năm 1982 tại Trảng Bom, Đồng Nai làm hơn 300 người thiệt mạng, sự cố cháy tòa cao ốc ITC tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2002, làm thương vong hơn 100 người...

Đổi với thành phố Hà Nội, cho đến nay có một số trường hợp rủi ro có thể được coi là thảm họa do thiên nhiên gây ra. Đó là bão lớn gây trận lũ lụt lịch sử tại Đồng bằng sông Hồng vào năm 1971 khiến hệ thống đê bị vỡ ở 3 địa điểm tại Hà Nội, làm chết 100.000 người, úng ngập 250.000 ha lúa, hoa màu, nhà cửa và hơn 2,7 triệu người chịu thiệt hại. Ngoài ra, trận mưa lớn lịch sử cuối năm 2008 đã làm hầu hết khu vực nội thành Hà Nội ngập trong 5 ngày, gây thiệt hại về người, hàng loạt phương tiện giao thông bị hỏng, nhiều công sở, trường học phải đóng cửa, ước tính thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đề án nhằm nhận diện các rủi ro có thể trở thành thảm họa của Hà Nội xác định các giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để quản lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại do rủi ro gây ra và xử lý hiệu quả khi có rủi ro trở thành thảm họa đối với Hà Nội.

Đề án dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với quá trình phát triển của Hà Nội như vỡ đê sông Hồng; ô nhiễm nguồn nước; cháy, nổ, đổ sụp công trình; tai nạn giao thông;  rủi ro tại các sự kiện tập trung đông người; dịch bệnh; rủi do trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; rủi ro do mất điện diện rộng và rủi ro khi có các hoạt động khủng bố, phá hoại.

Trong đó, Hà Nội xác định, đối các chung cư cũ, rủi ro dẫn đến thảm họa có thể xảy ra khi có cháy, đổ sụp hàng loạt nhà. Hiện tại, Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, tập trung ở 76 khu, với 1.273 chung cư và 306 chung cư riêng lẻ với quy mô từ 2 đến 5 tầng. Đa số các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng và phân bố tại 4 quận nội thành cũ, hiện đã có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Thảm họa được xác định, nếu động đất với cường độ 4-5 richter có thể gây sụp đổ hàng loạt chung cư cũ (hiện có khoảng 30 nghìn hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cũ 4-5 tầng).

Đối các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng, rủi ro thành thảm họa khi cháy toàn bộ, hoặc đổ sụp chung cư cao tầng. Nguyên nhân đổ sụp có thể do động đất, cường độ lớn (khoảng 7 richter) đối với các chung cư không được thiết kế chống động đất; hoặc do sai quy trình thiết kế, xây dựng.

Trong lĩnh vực giao thông, thảm họa được thống kê có thể xảy ra đối với hệ thống đường sắt trên cao hoặc đường hàng không.

Đề án đã xác định hàng loạt nhiệm vụ để quản lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại do rủi ro gây ra như kiện toàn cơ quan ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống rủi ro; nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó rủi ro cho các đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Dự báo 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.