Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực chống “giặc lửa”

Tiến Thành| 27/05/2018 07:09

(HNM) - Với địa bàn rộng, quản lý hàng chục nghìn cơ sở, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.


Với 30 quận, huyện, thị xã, song hiện nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội mới có 15 phòng quản lý địa bàn, có phòng quản lý 2-3 quận. Vì thế, khó có thể bảo đảm yêu cầu về khoảng cách chữa cháy. Ngoài công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy còn có nhiệm vụ kiểm tra an toàn và quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý. Do lực lượng mỏng, có những nơi một cán bộ, chiến sĩ phải đảm trách quản lý hàng trăm cơ sở.

Bên cạnh đó, trang thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng là vấn đề cần quan tâm. Toàn thành phố hiện có 1.100 công trình, tòa nhà chung cư cao tầng, hầu hết những công trình đều cao trên 10 tầng. Theo Trung tá Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 9, xe thang chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cao nhất được trang bị cho lực lượng hiện nay là 52m, có thể vươn lên đến tầng 14 của các tòa nhà. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế có nhiều yếu tố ảnh hưởng như tốc độ gió, không gian... để bảo đảm hiệu quả, xe thang chỉ vươn đến tầng 10.

Ngoài ra, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết, thực trạng về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy cũng còn nhiều bất cập. Thành phố có hàng nghìn tuyến đường phố nhỏ, ngõ sâu, nhỏ hẹp, xe chữa cháy, xe thang, xe có cần nâng không thể tiếp cận.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình hình mới, đơn vị đã đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các sự cố tại nhà cao tầng, tai nạn giao thông trên đường cao tốc…, trong đó có những thiết bị như: Máy khoan thủy lực, hệ thống định vị cảm biến cháy, bình chữa cháy dầu… Ngay trong tháng 5-2018, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã tổ chức huấn luyện trang bị xe máy phân khối lớn, chuyên dụng chữa cháy tại các đường phố, ngõ ngách chật hẹp. “Với dàn xe chữa cháy này, mỗi tỉnh sẽ được cấp 2 chiếc, riêng Hà Nội sẽ cấp 16 chiếc với trang thiết bị đi kèm. Xe sẽ được phân bổ về các phòng chữa cháy chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”- Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, những vấn đề về nguồn nước, chữa cháy đường, ngõ nhỏ đang từng bước được khắc phục. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là khi có sự cố cháy, nổ ở các công trình cao tầng thì phương tiện chỉ đáp ứng việc cứu hộ, cứu nạn ở tầng thấp. Đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy, khi hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà cao tầng vượt quá sức vươn của xe thang thì đều phải sử dụng hệ thống chữa cháy tại chỗ để xử lý.

Để đáp ứng được yêu cầu chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố thường xuyên tổ chức huấn luyện chuyên sâu cho cán bộ chiến sĩ, sử dụng thành thạo các trang thiết bị được cấp phát, thực hành tốt các đội hình chữa cháy với các loại hình đám cháy. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục đề xuất Bộ Công an, UBND TP Hà Nội trang bị, mua sắm những trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác chữa cháy như: Quần áo chữa cháy chịu nhiệt độ cao, rô bốt chữa cháy, xe thang chữa cháy… giúp các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực chống “giặc lửa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.