Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay xử phạt vi phạm hành chính

Bách Sen| 30/06/2018 06:58

(HNM) - Hiện nay, mức xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng, giao thông… quá thấp, chưa có tính răn đe; trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập.

Tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án “Cống hóa” mương Phan Kế Bính (phường Cống Vị, quận Ba Đình).


Cấp cơ sở gặp khó

Tình hình tuân thủ pháp luật chưa nghiêm trong lĩnh vực trật tự xây dựng đang ngày càng nhức nhối. Tuy nhiên, việc xử phạt không đơn giản. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung thông tin, Điều 38 và Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, thẩm quyền xử phạt tối đa của chủ tịch UBND cấp xã và thanh tra viên lần lượt tương ứng là 5.000.000 đồng và 500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm. Mức quy định trên quá thấp nên phần nào đã hạn chế vai trò của thanh tra viên và chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm.

“Trong lĩnh vực xây dựng, thanh tra viên gần như không thể thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính vì hầu hết các hành vi vi phạm đều vượt thẩm quyền. Tương tự, các hành vi vi phạm phổ biến như không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế tại các quận nội thành đều vượt thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp phường. Điều này đã làm giảm đáng kể vai trò của UBND cấp phường, tăng áp lực lên UBND cấp quận, đồng thời ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc xử lý vi phạm” - ông Trần Việt Trung nói.

Cũng theo ông Trần Việt Trung, về nguyên tắc, công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi có biên bản vi phạm hành chính mà chủ đầu tư không chấp hành sẽ bị đình chỉ thi công xây dựng. Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, việc đình chỉ trước đây được thực hiện bằng các biện pháp như cấm người và phương tiện vào triển khai xây dựng, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xử lý vi phạm, đồng thời hạn chế tình trạng vi phạm tiếp tục diễn ra ở mức độ, quy mô cao hơn.

Tuy nhiên hiện nay, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đã không còn được thực hiện vì không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Khi không duy trì được việc cấm người và phương tiện trong một khoảng thời gian dài thì việc đình chỉ thi công không đạt hiệu quả.

Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng cưỡng chế công trình xây dựng sai phép trên địa bàn.
Ảnh: Hải Linh


Vướng về thẩm quyền giải quyết cũng là khó khăn mà lực lượng công an gặp phải. Hà Nội hiện có vài chục điểm tập kết xe vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các điểm tập kết như Mỹ Đình, Dịch Vọng, Bưởi, Bồ Đề đang căng mình chứa hàng nghìn phương tiện. Trong đó, rất nhiều trường hợp dù đã hết thời hạn tạm giữ từ lâu, nhưng người vi phạm vẫn không đến nhận lại phương tiện.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng phổ biến là xe bị lực lượng 141 thu giữ có dấu hiệu xe gian (làm giả giấy tờ, đục lại số khung, số máy); mức phạt, chi phí cho việc lưu giữ cao hơn giá trị phương tiện nên người vi phạm sẵn sàng bỏ.

Theo ông Nguyễn Đại Dũng, Phó Trưởng phòng Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Công an TP Hà Nội), do số lượng xe vô chủ ngày càng tăng, lại không có nguồn thu từ việc trông giữ phương tiện, một số chủ bãi xe đã tuyên bố không tiếp nhận phương tiện vi phạm do công an chuyển đến.

Trong nhiều lĩnh vực khác, việc bảo quản tang vật phương tiện vi phạm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Như đối với hàng hóa đông lạnh, dễ hư hỏng; con giống, cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu... khi tạm giữ tang vật, cơ quan chức năng không có phương tiện, địa điểm tạm giữ bảo đảm hiệu quả. Nếu giao cho đơn vị vi phạm bảo quản thì không hợp lý vì có thể dẫn đến tẩu tán hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý...

Quy định thiếu khả thi

Vi phạm hành chính diễn ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Song, theo bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ 7 ngày (không bao gồm ngày nghỉ) là quá ngắn. Khi lập hồ sơ, xử lý vào những thời điểm mà cán bộ, công chức được nghỉ nhiều ngày rất khó khăn, không bảo đảm thời hạn theo quy định.

Chưa hết, khi thực hiện cưỡng chế thu tiền xử phạt vi phạm hành chính và chi phí cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, nhiều đối tượng cố tình trốn tránh, cách thực hiện điển hình là tuyên bố giải thể, phá sản.

Gặp những trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu tiền phạt hay hoàn trả chi phí cưỡng chế không khả thi trên thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai thi hành luật trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn, Hà Nội là địa bàn trọng điểm của cả nước. Những vướng mắc phát sinh nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh trật tự của Thủ đô. Đối với những vấn đề đặt ra trong xử lý vi phạm, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội giải pháp xử lý bước đầu.

Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu khó khăn, vướng mắc để đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhất là với những chế định không còn phù hợp, chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng không thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay xử phạt vi phạm hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.