Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước chuyển mạnh về cải cách hành chính

Hiền Chi| 01/07/2018 07:48

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, TP Hà Nội đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về công tác cải cách hành chính...


Bài đầu: Bài bản, thận trọng, chắc chắn

Hiện tại, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội đều tổ chức bộ phận “một cửa” để giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đã được định lượng bằng tỷ lệ người dân hài lòng với việc giải quyết hồ sơ hành chính ngày càng cao. Đó là kết quả xứng đáng khi thành phố triển khai các phần việc một cách bài bản, thận trọng và chắc chắn.

“Phủ sóng” bộ phận “một cửa”

Còn nhớ, giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết số 15/2008/ QH12, những người làm công tác cải cách hành chính không khỏi lo lắng trước mục tiêu “kéo gần khoảng cách” giữa hai địa bàn (Hà Nội và Hà Tây). Trong khi đó, công tác cải cách hành chính gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các xã, thị trấn còn thiếu thốn về trang thiết bị làm việc; trình độ cán bộ, công chức cấp xã không đồng đều; việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin còn hạn chế…

Một trong những việc đầu tiên TP Hà Nội triển khai ngay là tổ chức, bố trí bộ phận “một cửa” để giải quyết thủ tục hành chính “phủ sóng” khắp các cơ quan hành chính. Nếu như trước đây, việc giải quyết thủ tục hành chính tại phòng chuyên môn vẫn khá phổ biến thì đến nay hầu như không còn. Cùng với đó, quy trình giải quyết được niêm yết công khai để tổ chức, công dân thuận tiện tìm hiểu, tra cứu.

Để làm được điều đó, ngay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 84/2009/QĐ-UBND ngày 1-7-2009 về việc ban hành quy định thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội. Trong quyết định nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành…

Để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” yên tâm công tác cũng như xây dựng sự đồng bộ, phong cách phục vụ văn minh tại cơ quan nhà nước, từ năm 2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cấp trang phục cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế "một cửa" trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Trong suốt quá trình thực hiện, thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, kịp thời ban hành các văn bản liên quan trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội. Đến nay, về cơ bản, bộ phận “một cửa” của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn có cơ sở vật chất khang trang, được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, đặc biệt là tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đã đạt mức cao (năm 2017 đạt 97,33%).

Nâng cao thái độ, tinh thần phục vụ

Cùng với cả nước, TP Hà Nội tích cực thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 và đã đạt kết quả nổi bật. Dù có khối lượng thủ tục hành chính lớn thứ hai trên toàn quốc (sau TP Hồ Chí Minh), nhưng TP Hà Nội đã kiến nghị đơn giản hóa 1.292/1.816 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 71,2% (vượt hơn 2 lần so với chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, thành phố kiến nghị giảm đáng kể về thời gian và loại bỏ được khá nhiều giấy tờ, hồ sơ, quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, không cần thiết; đề ra những quy định hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.

Song song với đơn giản hóa thủ tục hành chính, thành phố chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giao dịch với công dân. Điển hình là thành phố đã thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội. Với việc tuyển đầu vào chất lượng cao và chương trình đào tạo hiện đại, kết thúc các khóa học, học viên tốt nghiệp được phân công về công tác tại xã, phường, thị trấn. Lực lượng này từng bước bổ sung nguồn công chức chuyên môn chất lượng cao cho chính quyền cấp cơ sở, đồng thời tạo nguồn cho đội ngũ công chức cấp huyện và cấp thành phố trong tương lai.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, đến nay, 5 chức danh công chức chuyên môn của cấp xã có hơn 80% công chức có trình độ đại học. Tuy nhiên, thành phố vẫn không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đó là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội giai đoạn 2016-2020”; ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội...

Với những nỗ lực trên, TP Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính. Dấu ấn là Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của TP Hà Nội nhiều năm liền thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, năm 2017 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mạnh về cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.