Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách bảo hiểm xã hội: Điều chỉnh nhiều bất hợp lý

Khánh Vũ| 17/08/2018 06:48

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phải khắc phục rất nhiều khó khăn, thách thức...

Những thay đổi quan trọng

Nghị quyết 28-NQ/TƯ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể: Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là 60%. Cũng theo Nghị quyết 28-NQ/TƯ, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định này; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ…

Ngành Bảo hiểm đang triển khai nhiều giải pháp để người dân được thụ hưởng quyền lợi tốt hơn.


Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, một trong các nội dung cải cách trong Nghị quyết 28-NQ/TƯ là thay đổi điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt; đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Theo đó, điều kiện hưởng chế độ hưu trí được điều chỉnh theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp. Sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Ngành BHXH tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Có các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay sẽ được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động... Nghị quyết 28-NQ/TƯ hướng tới việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động… Đáng chú ý, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới. Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Để khắc phục tình trạng trốn đóng, không đóng BHXH cho người lao động, quy định về căn cứ đóng BHXH trong doanh nghiệp được điều chỉnh, ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.

Tiếp cận đối tượng phi chính thức

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, để thực hiện những mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TƯ đề ra, công việc mà ngành BHXH đảm nhận rất lớn và điều quan trọng là phải làm cho mỗi người dân nhận thức đúng đắn về chính sách này, quyền lợi của người dân được bảo đảm nâng cao như thế nào. Đây là công việc cần sự chung tay của cả xã hội.

Trước những ý kiến lo ngại, nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm hay 10 năm, thì mức lương hưu liệu có thể bảo đảm cuộc sống hằng ngày cho người dân, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, ban đầu không nên cầu toàn, bởi nếu cầu toàn thì rất khó phát triển một tầng đế rộng để hướng tới BHXH toàn dân. Giai đoạn đầu có thể mở ra cho người dân mức đóng ít hơn và hưởng trợ cấp lương hưu xã hội ở mức thấp, nhưng người dân vẫn có thể vững tin vào khoản lương hưu khi về già…

Về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh, Nhà nước phải bảo đảm các dịch vụ cơ bản tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông). Nghĩa là lương hưu chỉ còn bảo đảm lương thực, thực phẩm mà không bao gồm các yếu tố giáo dục, nhà ở và các yếu tố khác, nên không đòi hỏi phải cao. Trong triển khai chính sách, luật cũng đã quy định, người dân có thể đóng BHXH trước 5 năm hay đóng sau 5 năm. Vì vậy, với điều kiện 15 năm đóng BHXH, người dân có thể đóng 10 năm, sau đó xin đóng trước 5 năm cộng thêm lãi suất của 5 năm đó, hoặc xin đóng sau 5 năm cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng BHXH.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, trong cải cách chính sách BHXH, điểm khó nhất liên quan tới việc phát triển đối tượng, mở rộng 4 nhóm đối tượng được gọi là phi chính thức, gồm “nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”. Bởi nhóm này là đối tượng rất khó nắm bắt, cần sự liên kết, kết nối giữa các tổ chức, cơ quan, chính sách khác để động viên người dân tham gia. Trong khoảng 34 triệu lao động phi chính thức, lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm chủ yếu. Họ không có thu nhập ổn định, thu nhập ở mức thấp nên việc tham gia BHXH gặp khó khăn. Để hỗ trợ đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện, khi triển khai Nghị quyết 28-NQ/TƯ, chính sách đóng bảo hiểm phải linh hoạt hơn. BHXH Việt Nam sẽ tham mưu để người dân có thể đóng mức thấp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. BHXH Việt Nam phấn đấu ứng dụng công nghệ thông tin, để chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể tham gia BHXH, đọc các chính sách BHXH. Với những người dân không có điện thoại thông minh, các đại lý sẽ tiếp cận để thông tin về quyền lợi cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách bảo hiểm xã hội: Điều chỉnh nhiều bất hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.