Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thước đo” toàn diện và thực chất hơn

Thành Tâm| 30/08/2018 06:33

(HNM) - Đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhấn mạnh, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là “thước đo”.


Lãnh đạo thành phố luôn coi việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ công là cách thức không thể thiếu để đánh giá đúng tình hình, từ đó xác định các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Sự hài lòng không chỉ là "thước đo" hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn thể hiện niềm tin của người dân, tổ chức, doanh nghiệp với bộ máy chính quyền.

Từ những quyết định cụ thể như Quyết định 359/QĐ-UBND ngày 18-1-2017, phê duyệt đề án “Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội”; Quyết định 4003/QĐ-UBND, ngày 6-8-2018 về “Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, Hà Nội đã triển khai nhiều đợt khảo sát.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thời gian qua chưa phản ánh hết thực tiễn hoạt động của các cơ quan công quyền, đơn vị thực hiện dịch vụ công. Chẳng hạn, năm 2017 có 96% người bệnh đánh giá hài lòng với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội.

Nhưng Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thẳng thắn cho rằng, kết quả này chưa phản ánh được toàn cảnh bức tranh khám, chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô bởi cách khảo sát chưa khách quan và người bệnh chưa phản ánh hết qua phiếu khảo sát.

Ngược lại, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) của Hà Nội đạt thấp một phần do quá trình khảo sát, phiếu đánh giá được gửi đến nhiều người không sử dụng dịch vụ hành chính công nên còn chưa sát thực tế.

Do vậy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội tới đây phải bảo đảm tính tin cậy, chính xác, đại diện, qua đó giúp các cơ quan xác định được giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Theo tinh thần đó, việc đo lường, khảo sát từ nay đến năm 2020 được thực hiện định kỳ hằng năm, tập trung ở một số lĩnh vực trọng điểm.

Một điểm mới là việc khảo sát, đo lường sự hài lòng sẽ bao gồm cả đề nghị đánh giá về cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trước mắt, thành phố sẽ khảo sát ý kiến về một số điều kiện cơ bản như nơi ngồi chờ, bàn viết, quạt mát, vệ sinh... Hình thức khảo sát cũng linh hoạt, đa dạng hơn như gửi phiếu khảo sát qua đường bưu điện, qua hộp thư điện tử, khảo sát trực tuyến... để người dân dễ dàng đóng góp ý kiến.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, thành phố sẽ tăng cường truyền thông về hệ thống thủ tục hành chính, hoạt động của chính quyền cơ sở..., qua đó giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận, đánh giá chính xác.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền hành chính theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn là một trong những khâu đột phá của Hà Nội. Bên cạnh đó, năm 2018 được xác định là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Vì vậy, việc vận hành “thước đo” chất lượng công việc, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất rất cần thiết để đẩy mạnh cải cách hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thước đo” toàn diện và thực chất hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.