Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác cai nghiện ma túy: Cần tư duy mới, cách làm mới

Hà Hiền| 16/09/2018 07:16

(HNM) - Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đang đi thị sát các cơ sở cai nghiện ma túy tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội nhằm tìm ra mô hình cai nghiện hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác cai nghiện ma túy, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn công tác khẳng định, đã đến lúc vấn đề này cần được nhìn nhận theo tư duy mới, triển khai bằng những cách làm mới.

Học viên miệt mài lao động tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội).


- Qua kiểm tra thực tế, ông đánh giá thế nào về công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội?

- Không khó để nhận thấy, TP Hà Nội dành sự quan tâm, đầu tư tương đối đầy đủ, toàn diện đến công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng. Hà Nội hỗ trợ người nghiện đi cai nghiện tự nguyện tới 65% chi phí bắt buộc, trước khi Nhà nước đưa ra chính sách này. Hà Nội cũng là một trong số ít địa phương đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người cho các cơ sở cai nghiện.

Các cơ sở có đầy đủ phòng ở, phòng chăm sóc ban đầu, phòng điều trị, có khu vui chơi giải trí, khu nhà xưởng để học viên lao động trị liệu, thậm chí có phòng “hạnh phúc” dành cho những người nỗ lực cai nghiện được gặp vợ, con. Học viên được quản lý theo quy trình chặt chẽ, khoa học, được tôn trọng, được hỗ trợ cai nghiện, tư vấn chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tham gia lao động, luyện tập thể thao. Đa số học viên phản ánh sức khỏe thể chất, tinh thần của họ cải thiện rõ rệt.

Mối quan hệ giữa các cơ sở cai nghiện với chính quyền địa phương và gia đình học viên khá chặt chẽ, linh hoạt, theo sát mọi hoạt động của học viên, nên nhiều năm qua, Hà Nội không xảy ra các vụ việc học viên bỏ trốn tập thể. Cai nghiện tại cộng đồng có những mô hình sáng tạo. Nhìn chung, TP Hà Nội có tư duy mới, cách làm mới trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; không để số người nghiện gia tăng.

- Công tác cai nghiện ma túy ở các địa phương khác ra sao, xin ông cho biết?

- Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… cũng rất quan tâm đến công tác này. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp, tiếc rằng, một số địa phương chưa dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho vấn đề này.

Vì muốn trong sạch địa bàn, một số địa phương đưa tất cả người nghiện vào cơ sở cai nghiện, dẫn đến quá tải. Có những cơ sở cai nghiện cùng lúc điều trị cho khoảng 400-600 học viên, có nơi bố trí 70-80 học viên ở chung một phòng, nhưng quy mô chỉ đáp ứng được một phần. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các cơ sở cai nghiện ít được quan tâm đầu tư, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ chưa thỏa đáng, nên khó thu hút người có năng lực vào làm việc.

Ở “vòng ngoài”, sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong đấu tranh phòng, chống ma túy chưa tốt. Công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người sau cai còn nhiều bất cập. Một số mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

- Theo ông, các bên liên quan cần làm gì để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy?

- Hiện nay, đa số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Loại ma túy này để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, chúng tôi luôn nhất quán quan điểm cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Các ngành, địa phương phải coi hoạt động phòng, chống ma túy, tổ chức cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng và dành sự quan tâm, đầu tư tương xứng với nhiệm vụ được giao. Đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng học viên gây mất an ninh trật tự hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện, người đứng đầu đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Quy trình hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện cần đổi mới. Khâu “đầu vào” của các cơ sở cai nghiện nên có sự phân loại, sàng lọc. Theo tôi, các địa phương, nhất là những nơi còn thiếu cơ sở vật chất chỉ nên đưa vào cơ sở cai nghiện những trường hợp nghiện nặng, đã cai nghiện tại cộng đồng nhưng vẫn tái nghiện, người nghiện có tiền án, tiền sự hoặc không có gia đình, không nơi cư trú… Hình thức điều trị cai nghiện nên linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp. Khâu “đầu ra” - việc hỗ trợ cho những người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng cần được thực hiện bằng các giải pháp dạy nghề, giải quyết việc làm khả thi hơn.

Sau đợt thị sát thực tế, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng tổ chức giám sát, đánh giá tổng thể thực trạng mạng lưới cơ sở cai nghiện trên phạm vi cả nước, từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ cai nghiện tích cực nhất. Về phía ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp.

Về tổng thể, các giải pháp đều hướng đến mục tiêu coi người nghiện ma túy là người bệnh để có phác đồ điều trị phù hợp, để họ được yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ từ người thân và xã hội. Các bên liên quan có trách nhiệm phối hợp quản lý người nghiện, người sau cai nghiện theo quy trình chặt chẽ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do ma túy gây ra cho xã hội.

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho người đi cai nghiện tự nguyện lên tới 70% chi phí bắt buộc. Đó là cơ hội tốt cho người nghiện tránh xa con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác cai nghiện ma túy: Cần tư duy mới, cách làm mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.