Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa cháy, nổ tại các ki ốt

Tiến Thành| 13/10/2018 07:24

(HNM) - Diện tích nhỏ, hàng hóa nhiều, không có lối thoát hiểm và dễ cháy lan là những đặc điểm của loại hình ki ốt liền kề sử dụng để kinh doanh hiện nay.

Người dân dập lửa trong vụ cháy tại chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Nhân dân


Chỉ trong vòng hai tuần liên tiếp đã xảy ra 4 vụ cháy tại các ki ốt liền kề trên địa bàn Hà Nội. Vụ đầu tiên xảy ra tối 27-9-2018, gây ảnh hưởng cho 4 ki ốt trong khu đất tái định cư thuộc làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Đến rạng sáng các ngày 3, 5 và 8-10, “bà hỏa” tiếp tục ghé thăm các ki ốt bán hàng liền kề trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) và phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa). Các vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi nhiều tài sản.

Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, 9 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 30 vụ cháy cửa hàng, ki ốt kinh doanh. Đại úy Đặng Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội) cho biết, hầu hết các vụ cháy xảy ra vào ban đêm, xuất phát từ sự cố về điện. Do các dãy ki ốt liền kề, kinh doanh nhiều hàng hóa là chất dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát lớn và nhanh chóng cháy lan, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

Trao đổi về công tác phòng cháy, chữa cháy loại hình này, Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa) cho biết, do được chia lô để cho thuê nên diện tích ki ốt thường rất nhỏ, chỉ có một cửa ra vào. Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ ở cửa ki ốt thì cơ hội cho người ở bên trong thoát nạn rất thấp.

Khác với các ki ốt trong chợ chịu sự kiểm tra, giám sát an toàn của ban quản lý, các ki ốt liền kề kinh doanh ngoài đường, phố chưa được coi trọng về công tác phòng cháy, chữa cháy. Tại các ki ốt thường xảy ra vi phạm về khoảng cách sắp xếp, bày bán hàng hóa. Bên trong, người kinh doanh tự ý câu mắc điện tràn lan. Nhiều dây điện đã cũ nhưng vẫn được tận dụng, chắp nối sơ sài. Nguy hiểm hơn, dây điện được cắm trực tiếp vào ổ cắm, tia lửa điện bắn ra xung quanh rất dễ gây cháy. Chưa kể, người kinh doanh còn sử dụng nguồn nhiệt nấu ăn hằng ngày, khiến cho nguy cơ cháy, nổ càng tăng cao. Trong khi đó, việc trang bị các thiết bị chữa cháy và thoát nạn không được quan tâm, dẫn đến khó khăn trong việc ứng phó, xử lý tình huống cháy, nổ.

Trung tá Trần Văn Hùng, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông cho rằng, trước hết những người kinh doanh tại ki ốt liền kề cần tự giác chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Trong đó, các ki ốt cần được thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời phát hiện các nguy cơ phát sinh cháy, nổ, có biện pháp xử lý kịp thời. Do các vụ cháy thời gian gần đây đều xảy ra vào ban đêm, nguyên nhân từ sự cố điện nên trước khi đóng cửa ki ốt, người kinh doanh cần kiểm tra và tắt các thiết bị điện không cần thiết. Ngoài ra, cần chú ý đến việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tại các ki ốt và sử dụng nguồn nhiệt để đề phòng cháy, nổ.

Song song với đó, Trung tá Trần Văn Hùng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, kêu gọi người dân cùng vào cuộc trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy. Chính quyền địa phương cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm và cưỡng chế những trường hợp vi phạm quy định về lấn chiếm lòng đường, hè phố và an toàn phòng cháy, chữa cháy. Phó trưởng Công an quận Hà Đông lưu ý, với những hành vi không bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy, để xảy ra nguy cơ mất an toàn ở những nơi kinh doanh tập trung, những nơi buôn bán đông người, những hộ kinh doanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời có thể bị đình chỉ kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa cháy, nổ tại các ki ốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.