Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 24/11/2018 06:51

(HNM) - Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm (2016 -2018), không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm đến thú vị của nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước mỗi dịp cuối tuần.


Bài 1: Bức tranh hai màu


Không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm đến, điểm vui chơi thú vị của người dân Thủ đô và mỗi du khách khi có dịp đến Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những ấn tượng đó, thì ở khu vực này vẫn còn những “nốt trầm” không đáng có như một bức tranh hai màu…

Điểm đến thú vị

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, sau 2 năm thực hiện thí điểm, Đề án tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đề án đã tạo được điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, đề án được thí điểm góp phần hình thành thói quen đi bộ và nếp sống mới cho người dân Thủ đô. Đây cũng là nơi giao lưu, điểm hẹn, điểm đến thú vị của mọi người dân; đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội - Thành phố Hòa bình; kích cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm và thành phố.

Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm là điểm vui chơi cho người dân trong và ngoài nước đến Hà Nội dịp cuối tuần. Ảnh: Thái Hiền


Chị Phan Huyền Nga, phường Phương Mai, quận Đống Đa chia sẻ: "Từ ngày Đề án tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được triển khai, gia đình tôi thường xuyên đến đây vào những ngày cuối tuần. Không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa, giải trí sau một tuần làm việc, học tập, các thành viên trong gia đình được vận động, tham gia các trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan...".

Còn anh Đỗ Văn Hưng, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai cho hay: "Trước đây gia đình tôi chỉ đến hồ Hoàn Kiếm và một số danh lam thắng cảnh của Hà Nội vào dịp lễ, Tết. Nhưng từ ngày phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm được triển khai, gia đình tôi có cơ hội đến đây chơi nhiều hơn vì có nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, lễ hội được tổ chức tại đây. Đặc biệt, các cháu nhỏ rất thích lên phố đi bộ vì chúng được thoải mái vui đùa và thỏa sức khám phá, từ đó thêm yêu Thủ đô".

Không chỉ có người dân Thủ đô đến với phố đi bộ ngày càng đông mà lượng du khách trong, ngoài nước đến tham quan và tham gia các hoạt động trên phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần cũng tăng dần, nhất là vào buổi tối, dịp lễ, Tết (trung bình ban ngày có 3.000 - 5.000 người, buổi tối 1,5 - 2 vạn người). Từ sức hấp dẫn của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng tăng đáng kể. Nếu như năm 2017, lượng khách lưu trú đạt trên 1,7 triệu lượt người, tăng 33% so với năm 2016 thì 9 tháng năm 2018 là trên 1,4 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Số cửa hàng kinh doanh chuyển sang dịch vụ du lịch cũng tăng lên 594 cơ sở. Tính đến nay, trên địa bàn quận có 585 khách sạn và cơ sở lưu trú (tăng 121 cơ sở so với năm 2017), trong đó có 225 khách sạn được xếp hạng, gắn sao, tiêu biểu như: Hilton Opera, Movenpik, Metropole, Silk Park...

Những kết quả trên góp phần quan trọng tăng thu ngân sách nhà nước cho quận Hoàn Kiếm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã tạo dựng được một điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô; tạo ra không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, là nơi giao lưu, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

...vẫn còn đó những “nốt trầm”

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã và đang bộc lộ nhiều mặt trái, "nốt trầm". Cụ thể, tại một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn xảy ra ùn ứ; còn hiện tượng một số ô tô, xe máy, taxi dừng, đỗ trước và sau hàng rào an ninh tại các chốt ra - vào, cản trở giao thông...

Dạo một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm vào buổi chiều muộn, tối các ngày 17 và 18-11 vừa qua, chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh “chướng tai, gai mắt”. Đó là vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trong không gian đi bộ để bán hàng gây phản cảm đối với du khách và làm cho không gian đi bộ trở nên nhốn nháo, ồn ã. Hình ảnh không đẹp mắt nhất là cảnh bán hàng rong đeo bám khách. Mặc dù ở đây được bố trí khá nhiều máy bán hàng tự động nhưng các gánh hàng với đầy đủ chủng loại vẫn được bán rất nhiều quanh không gian đi bộ. Tại vỉa hè đường Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục... người bán hàng chiếm hết cả vỉa hè để bàn ghế, hoặc kéo hàng ra giữa đường bán. Khi thấy du khách nước ngoài, nhiều gánh hàng chạy theo mời chào gây không ít phản cảm.

Đáng nói, đoạn đường Hàng Khay dài khoảng 150m nhưng có đến trên 20 điểm cho thuê các loại xe máy, ô tô, cân bằng điện trẻ em chiếm hết lòng đường. Bắt đầu từ 18h, đã có nhiều người thuê xe cho con tự đi. Tiếng xe chạy, người lớn chạy theo cổ vũ làm náo loạn cả khu phố. Do đường bị các hộ kinh doanh chiếm hết để làm “sân chơi” riêng nên người đi bộ mỗi khi qua đây phải vất vả mới di chuyển được. Vỉa hè phố Hàng Khay cũng bị chiếm hết vào mỗi buổi tối ngày cuối tuần khiến người đi bộ không có chỗ đi.

Tương tự, toàn bộ vỉa hè, lòng đường phố Đinh Lễ bị người dân chiếm hết để bán hàng ăn, sách, dịch vụ tô tượng, cho thuê xe. Các loại đồ ăn nhanh như thịt, xúc xích, bánh rán, hoa quả... được người bán rong mời chào, chèo kéo khách rất khó chịu. Đặc biệt, dọc vỉa hè trước Bưu điện Hà Nội hay trước số nhà 47 đến 65 Đinh Tiên Hoàng cũng bị nhiều hàng rong chiếm dụng, thậm chí khu vực tháp Hòa Phong cũng bị chiếm để bán bóng, bán kem. Tại ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, một số hàng thịt nướng, xúc xích nướng liên tục quạt, khói bay mù mịt, mùi thức ăn đặc quánh gây khó chịu cho người đi dạo quanh hồ. Ngay cả khu vực giáp Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm cũng bị chiếm dụng hết để bán hàng nước.

Ngoài ra, dạo quanh phố đi bộ, không khó để nhìn thấy hình ảnh người dân vô tư dắt chó đi dạo mà không có rọ mõm; hay tình trạng nhà vệ sinh còn bẩn, thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của du khách vào những ngày có sự kiện lớn diễn ra quanh hồ. Tại nhà vệ sinh công cộng số 8 Lê Thái Tổ có 4 phòng thì một nửa số phòng bị hỏng. Theo quan sát vào thời điểm 17h40 ngày 18-11, lượng người vào đi vệ sinh rất đông, nhưng do số phòng vệ sinh quá ít nên nhiều người phải chờ đợi lâu mới đến lượt. Điều đáng nói, mặc dù nói là miễn phí nhưng trước cửa ra vào nhà vệ sinh này lúc nào cũng có người ngồi phát giấy vệ sinh và thu tiền dưới hình thức “tùy tâm”. Các nhà vệ sinh công cộng khác quanh khu vực hồ cũng trong cảnh tương tự.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.