Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung cư, nhà cao tầng vi phạm PCCC: Xử lý dứt điểm, không để phát sinh

Mai Hữu| 05/12/2018 06:38

(HNM) - Đến nay, trên địa bàn Hà Nội còn gần 26% chung cư, nhà cao tầng tồn tại nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư ở huyện Thanh Trì.


Vi phạm vẫn tràn lan

Tháng 6-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2880/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”. Một trong những mục tiêu thành phố đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, xử lý xong các dự án, công trình còn tồn tại vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, không để phát sinh công trình vi phạm mới.

Để đạt được mục tiêu trên, có rất nhiều công việc cần làm. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), toàn thành phố hiện có 1.109/1.407 chung cư, nhà cao tầng đang hoạt động thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, qua kiểm tra, rà soát có 287 công trình không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, trong 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đến nay vẫn còn 27 công trình chưa khắc phục xong tồn tại.

Kiểm tra hệ thống báo cháy tại một chung cư ở quận Cầu Giấy.


Không dừng ở đó, giữa tháng 11-2018, Thanh tra TP Hà Nội tiếp tục ban hành các kết luận về việc thanh tra đối với 76 lỗi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong lĩnh vực đầu tư xây dựng của 24 chung cư do đơn vị chức năng thống kê vào tháng 4-2018. Trong đó, chỉ có 4 chung cư đã hoàn thành việc khắc phục các lỗi vi phạm. Còn lại 20 chung cư tiếp tục phát sinh lỗi mới, chỉ khắc phục một phần hoặc thậm chí chây ỳ việc khắc phục, như: Chung cư mi ni (quận Long Biên) do bà Phạm Thu Trang làm chủ đầu tư; nhà ở nhiều hộ gia đình (quận Thanh Xuân) do ông Hà Hùng Kim làm chủ đầu tư...

Về tình trạng này, theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư và được quy định rõ trong Điều 16, Nghị định 79/NĐ-CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy”.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, một số công trình không duy trì bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư còn tìm mọi cách để đối phó trong thực hiện các quy định an toàn, thậm chí không chấp hành các kiến nghị, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền.

Cần sự phối hợp liên ngành

Để giải quyết triệt để vấn đề này, Công an TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01 về “Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố năm 2018”. Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khẳng định, Kế hoạch số 359/KH-CAHN-PV01 được xây dựng nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”. Trong đó, sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở các loại hình trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, như chung cư, nhà cao tầng.

Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, đơn vị đang đề xuất giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm đối với từng công trình chung cư, nhà cao tầng, đi đôi với nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở. "Yếu tố quan trọng là cần có sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan để giải quyết những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, vướng mắc trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, giao thông, nguồn nước, tài chính…", Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết thêm.

Cùng với đó, Công an thành phố sẽ kiên quyết không để phát sinh các cơ sở, công trình vi phạm mới bằng biện pháp đình chỉ hoạt động xây dựng đối với các công trình chung cư, nhà cao tầng chưa thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Đối với chủ các công trình vi phạm cố tình không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, Công an thành phố sẽ đề xuất phương án cưỡng chế, củng cố hồ sơ, giao cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội), từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 60 vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng các vụ cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản của người dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung cư, nhà cao tầng vi phạm PCCC: Xử lý dứt điểm, không để phát sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.