Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến: Quản lý, giám sát vệ sinh, ATTP tại các làng nghề truyền thống của Hà Nội

Nhóm PV HNMO| 20/12/2018 12:19

(HNMO) - Chiều 20-12, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý, giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội dịp cuối năm 2018”.

16:43 20/12/2018

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết, sau 3 giờ đồng hồ, buổi tọa đàm trực tuyến “Quản lý, giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội dịp cuối năm 2018” đã diễn ra sôi nổi, hàng chục ý kiến phát biểu của lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp, lãnh đạo các huyện, thị xã… cùng những giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm, thể hiện qua các câu hỏi gửi tới buổi tọa đàm đã giúp độc giả của Báo Hànộimới và khách mời dự tọa đàm hình dung được bức tranh khá tổng thể về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của cả nước nói chung cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.


Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh phát biểu kết thúc tọa đàm.


Qua tọa đàm này, một lần nữa cho thấy, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đã, đang và sẽ luôn luôn nóng. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới hy vọng, sau tọa đàm, bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tại tọa đàm này còn có sự tham gia của gần 20 cơ quan báo đài của trung ương và Hà Nội sẽ góp phần cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Mặt khác, tọa đàm cũng góp phần kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

16:42 20/12/2018

Từ 10-7-2019 sẽ thanh kiểm tra tại 30 quận, huyện của Hà Nội

Độc giả Phạm Hồng Điệp (Trường THCS Thực nghiệm) hỏi: "Hà Nội đã triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và vừa được Thủ tướng chính phủ cho phép triển khai ở tất cả các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn. Xin ông cho biết kết quả hoạt động của các đội thanh tra này trên địa bàn Thủ đô cho đến thời điểm hiện nay?".



Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế trả lời:

Công tác thanh tra, kiểm tra là 1 trong 4 nội dung trọng tâm trong kế hoạch tổ chức triển khai hàng năm, TP Hà Nội tổ chức rất mạnh nội dung này. Những năm gần đây, công tác này đã giúp công tác vệ sinh ATTP có bước chuyển biến tích cực.

Năm 2018, Hà Nội cho thanh tra thí điểm tại 5 quận, huyện và 10 xã phường. Sau khi thực hiện thí điểm 1 năm, công tác triển khai có những bài học và kết quả rõ rệt như: Sự vào cuộc của hệ thống chính quyền; Hệ thống thông tin tuyên tuyên được tăng cường; Xử lý nhanh các vụ việc, vì vậy trên các địa bàn được cho là “điểm nóng” không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo ông Trần Văn Chung, ngày 26/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 07 về triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố trong đó tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh triển khai trên 100% xã, phường tại các địa bàn quận, huyện.

Vì thế, năm 2019, TP Hà nội sẽ tiến hành tại 30 quận huyện, thời gian sẽ bắt đầu từ ngày 10/7/2019. Theo đó, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thành lập đội thanh tra liên ngành triển khai tại tất cả địa phương trên địa bàn thành phố.

Đợt tới TP Hà nội sẽ đánh giá cống tác năm 2018 và triển khai năm 2019, cũng sẽ thực hiện tổ chức triển khai nội dung này.

Ông Trần Văn Chung nhấn mạnh, để công tác này thực hiện được, cần sự vào cuộc, chỉ đạo chặt chẽ của Ban chỉ đạo ATTP của các quận, huyện; sự tham gia của các ban ngành; tuyên truyền để người dân biết, lựa chọn thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm bẩn.

16:31 20/12/2018

Sản phẩm đảm bảo VSATTP là sự sống còn của doanh nghiệp

Độc giả Nguyễn Hồng Quyên (email: nguyenquyen@gmail.com) đặt câu hỏi vớiCông ty cổ phẩn thực phẩm Minh Dương:"Trong những năm qua, Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương luôn khẳng định và giữ vững thương hiệu của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nông sản thực phẩm tại Việt Nam. Trong điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp, nhưng công ty luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền hiện đại, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Vậy, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động được công ty thực hiện như thế nào?".


Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn thực phẩm Minh Dương.


Bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Thực phẩm Minh Dương trả lời: Trong những năm qua Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương không ngừng phát triển và giữ vững thương hiệu của mình trong lĩnh vực sản xuất nông sản thực phẩm tại Việt Nam.


Phương châm của Minh Dương đặt ra là “Thực phẩm xanh-Năng lượng sạch”. Chúng tôi luôn xác định vấn đề sống còn của doanh nghiệp là sản xuất các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường để người tiêu dùng không phải lo ngại khi sử dụng sản phẩm của Minh Dương, giảm bớt các căn bệnh khó chữa tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Toàn bộ quá trình sản xuất của Công ty được kiểm soát chặt ngay từ đầu: Kiểm soát nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, kiểm soát toàn bộ quá trình chế biến đến khi ra sản phẩm, nhập kho giao cho khách hàng.

Công ty đưa vào hệ thống dây truyền sản xuất hiện đại, khép kín để sản xuất các sản phẩm miến từ tinh bột dong, khoai lang, khoai tây, tiểu mạch...; các loại bún khô, mỳ, phở, hủ tiếu từ gạo. Điều đặc biệt, chúng tôi đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị bằng Inox, tăng thêm thiết bị xử lý nguyên liệu bằng phương pháp cơ học để loại bỏ tạp chất mà không phải sử dụng hoá chất hay phụ gia trong quá trình chế biến.

Chất lượng là trên hết. Đó là tiêu chí của Công ty, vì vậy, trong quá trình sản xuất, các sản phẩm với 100% tinh bột, không chứa bất kì chất phụ gia, bảo quản nào, và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, năng lượng, tốt cho sức khỏe. Công ty xác định làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo sức khỏe cho con người, có lợi cho chính nhà sản xuất và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn cho xã hội.

Bên cạnh đó, Công ty tổ chức khám sức khỏe cho người lao động nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các bệnh truyền nhiễm... Công nhân lao động khi tham gia vào quy trình sản xuất cũng phải thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, bảo hộ lao động đầy đủ trước và trong suốt quá trình tham gia sản xuất. 

Sản phẩm đầu ra được kiểm tra theo những tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc, đạt yêu cầu thì mới được nhập kho và xuất xưởng. Công ty Minh Dương luôn thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm của Công ty được kiểm nghiệm định kỳ bên ngoài đảm bảo yêu cầu theo quy định. Sản phẩm luôn được khách hàng, người tiêu dùng đánh giá cao và tin dùng.

Hơn 25 năm hoạt động và phát triển, uy tín và thương hiệu Minh Dương đã đi vào lòng người. Hiện nay, sản phẩm bún, miến của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương đang được tiêu thụ tại 29 tỉnh, thành phố phía Bắc và TP Hồ Chí Minh; tại các siêu thị, chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể với sản lượng bình quân 50 tấn/tháng. Không chỉ bó hẹp ở thị trường trong nước, Công ty còn đưa sản phẩm của mình ra với thị trường thế giới như: Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Hà Lan…

16:26 20/12/2018

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho bánh chưng Tranh Khúc

Một bạn đọc hỏi:
"Vào dịp Tết Nguyên đán, làng bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cung cấp hàng vạn chiếc bánh chưng cho thị trường trong và ngoài nước. Các công đoạn từ rửa lá dong đến làm nhân bánh đều liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vậy, huyện Thanh Trì có giải pháp gì để quản lý, giám sát vấn đề này?"

Đại diện huyện Thanh Trìtrả lời: Làng nghề Tranh Khúc có gần 200 hộ sản xuất kinh doanh bánh chưng. Vào ngày thường, các hộ chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với số lượng ít. Tuy nhiên, vào dịp lễ tết, sản lượng tăng lên nhiều. Ứơc tính năm 2017, sản lượng bánh tiêu thụ trong dịp Tết từ 10.000- 15.000 chiếc với doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, đặc biệt trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh trong làng nghề.

Cụ thể, về nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc; được bảo quản phù hợp điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn bảo quản của nhà cung cấp. Nguồn nước phục vụ quá trình sản xuất bánh chưng phải phù hợp với tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống. Cơ sở phải được vệ sinh sạch sẽ; các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song song với việc tuyên truyền, hướng dẫn về quy trình sản xuất, UBND huyện đã phối hợp với UBND xã Duyên Hà, HTX dịch vụ nông nghiệp Văn Khúc hướng dẫn các hộ sản xuất về các thủ tục, hồ sơ hành chính như Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, Bản tự công bố sản phẩm đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

UBND huyện Thanh Trì đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa Thanh Trì tổ chức khám sức khỏe cho những người tham gia sản xuất trong làng nghề Tranh Khúc. Về cơ bản tất cả các hộ được khám sức khoẻ đúng quy định.

Năm 2017, huyện đã xây dựng website làng nghề, liên kết với một số siêu thị bán sản phẩm có logo, mã số, mã vạch, bán trực tuyến qua mạng với kết quả khả quan.

16:21 20/12/2018

Phát huy thương hiệu và phát triển làng nghề sản xuất chè lam ở Thạch Thất

Độc giả Nguyễn Thị Nga (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) hỏi:Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, nhiều gia đình ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất đã đỏ lửa suốt ngày đêm để làm một sản phẩm đặc biệt, đó là chè lam phục vụ bà con trong dịp Tết Nguyên đán.Để phát huy thương hiệu và phát triển làng nghề, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu tập thể, chính quyền địa phương làm gì để bảo vệ và duy trì chất lượng sản phẩm? Huyện có tổ chức cho các cơ sở sản xuất chè lam tham gia các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh, an toàn thực phẩm và quản lý, giám sát vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại đây không?


Đại biểu dự tọa đàm.


Đại diện huyện Thạch Thất trả lời: Huyện có 59 làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề Thạch Xá chuyên sản xuất chè lam. Để phát huy thương hiệu và phát triển làng nghề, lãnh đạo huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ một thứ quà quê dân dã, chè lam Thạch Xá hiện nay đã trở thành một sản phẩm hàng hóa nổi tiếng, có mẫu mã, logo với bao bì sản phẩm thống nhất.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Thạch Thất tập trung công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm của huyện và tổ kiểm tra chuyên ngành của Phòng Kinh tế huyện đã tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh chè lam theo kế hoạch và trong các dịp cao điểm: Rằm trung thu, tháng hành động vì ATTP, Tết Nguyên đán và lễ hội….

Phòng Kinh tế của huyện đã tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 20/20 cơ sở sản xuất chè lam trên địa bàn xã Thạch Xá. Những người tham gia sản xuất, chế biến chè lam được tập huấn kiến thức ATTP, được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

“Trong những năm qua, tại làng nghề sản xuất chè lam Thạch Xá không xảy ra hiện tượng mất vệ sinh ATTP đối với sản phẩm chè lam”, đại diện huyện Thạch Thất khẳng định.

16:17 20/12/2018

Bạnđọc hỏi:
Trên địa bàn huyện Đông Anh có vùng rau an toàn Vân Nội, cung cấp lượng rau lớn cho người dân Thủ đô. Xin hỏi, cơ quan quản lý ở nơi này có thường xuyên tổ chức hướng dẫn quy trình trồng rau an toàn cho người dân không? Việc quản lý chất lượng rau an toàn, nhất là việc giám sát quy trình gieo trồng, phun thuốc được triển khai tại đây như thế nào?

Đại diện huyện Đông Anh trả lời: 

Trong năm 2018, đã viết 18 bài tuyên truyền về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sinh vật hại, an toàn hiệu quả cho người sản xuất; thông báo cảnh báo vi phạm đối với các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; phân công đội ngũ nhân viên kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật cắm điểm tại các vùng sản xuất rau an toàn tập trung để chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát nông dân thực hiện theo qui trình.



Huyện đã mở 2 lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây rau cho 60 hộ trong nhóm nông dân nòng cốt, trong đó có nông dân xã Vân Nội. Kết quả 100% học viên tham gia đều nắm bắt, hiểu biết được các kiến thức đã học và áp dụng vào thực tế sản xuất.

Về công tác chỉ đạo sản xuất giám sát quy trình gieo trồng, phun thuốc rau an toàn, đại diện huyện Đông Anh cho biết, tổng diện tích rau trên địa bàn toàn huyện Đông Anh trên 800 ha. Riêng 7 xã trên địa bàn huyện, trong đó có Vân Nội, được thành phố quy hoạch vào vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích là trên 500 ha.

Phòng Kinh tế huyện đã chỉ đạo Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đông Anh phân công 10 cán bộ kỹ thuật "cắm" điểm để chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc sản xuất rau an toàn, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân; đã tham mưu cho 8 xã có diện tích rau lớn ra văn bản hỗ trợ thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện năm 2019.

Huyện duy trì chuyển giao 3 mô hình kiểm soát cộng đồng và áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn (RAT). Đến nay, đã có gần 50 ha diện tích, 15 tổ nhóm và 148 hộ tham gia, có 20 chủng loại rau, với sản lượng trung bình 12 -15 tấn/ngày được gắn thương hiệu PGS cung cấp vào chuỗi RAT cung cấp cho người tiêu dùng, bước đầu đã truy xuất được nguồn gốc đến tận ruộng.

Kết quả đối với các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt, đã giúp giảm được từ 3 - 5 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa học độc hại nhưng vẫn an toàn về sâu bệnh, bảo vệ được năng suất, chất lượng rau đảm bảo ATTP;

Đối với bón phân hữu cơ cải tạo đất: Bước đầu đã lựa chọn được được 2 loại phân hữu cơ mới là khô dầu đậu tương và phân hữu cơ động vật Fertiplus để bón cho các loại rau giúp giảm được từ 30 - 50% lượng phân hóa học ở vụ thứ 1 - 2 và có thể thay thế dần việc sử dụng các loại phân bón hóa học ở các vụ tiếp theo, góp phần cải tạo đất, hạn chế một số đối tượng bệnh hại, cho năng suất ổn định và chất lượng rau an toàn được đảm bảo được các địa phương và nông dân đánh giá cao.

16:11 20/12/2018

Bạn đọc Nguyễn Thúy Vân (email: nguyenvan@gmail.com) hỏi: "Hằng năm, huyện Chương Mỹ cung cấp lượng thịt lợn, thịt gà rất lớn cho Hà Nội. Hiện tại, huyện đã xây dựng quy trình sản xuất cung cấp sản phẩm chăn nuôi; tổ chức liên kết hỗ trợ các hộ, cơ sở, doanh nghiệp, chế biến, bảo quản tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi chưa? Và hướng phát triển chăn nuôi bền vững, cung cấp thịt sạch cho người tiêu dùng thế nào?"



Đại diện huyện Chương Mỹ tr
ả lời: Chương Mỹ là huyện ngoại thành có số dân tương đối đông, trên địa bàn huyện đã hình thành trang trại quy mô lớn. Huyện đã phát triển các điểm giết mổ chăn nuôi tập trung và đến nay các điểm này đã đi vào hoạt động. Để cung cấp sản phẩm sạch cho người dân, chúng tôi đã và đang tham mưu tổ chức một số điểm bán sản phẩm sạch cho người dân trên địa bàn huyện và người dân Thủ đô.

16:09 20/12/2018

Tỷ lệ nhiễm chất cấm, kháng sinh trong thịt lợn đã giảm rõ rệt

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trả lời câu hỏi của độc giả về việc kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật.

Theo đó, hiện nay, mặc dù việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã được khuyến cáo hạn chế sử dụng và sử dụng kháng sinh đúng cách nhưng vẫn còn một số hộ chăn nuôi lạm dụng kháng sinh gây hậu quả khôn lường như gây nên tình trạng kháng kháng sinh và ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng khi kháng sinh tồn dư trong các sản phẩm động vật.



Chính vì vậy, việc kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thịt được ngành Nông nghiệp đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nhằm đảm bảo nền chăn nuôi bền vững và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật;

Tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng và thiệt hại kinh tế đối với nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng thuốc thú y, kháng sinh; hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng thực hành sản xuất tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP); tuân thủ các quy định khi sử dụng thuốc thú y, kháng sinh.

Sở thường xuyên chỉ đạo lực lượng nhân viên thú y tuyến xã, thú y thôn tổ chức hướng dẫn cho các hộ nông dân về chăn nuôi an toàn, sử dụng thuốc thú y, kháng sinh đúng cách, trong danh mục được phép sử dụng; Tích cực tham mưu cho UBND các xã về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố, Quản lý thị trường, quận, huyện, thị xã... phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, thuốc thú y, kháng sinh ngoài danh mục được phép sử dụng trong chăn nuôi.

Sở cũng tăng cường kiểm tra lấy mẫu, giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm tại cơ sở thu mua, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thủy sản, thịt gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và điều tra, thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn.

"Rất mừng là sau những năm lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, triệt phá các vụ việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, hiện tỷ lệ nhiễm chất cấm, kháng sinh trong thịt lợn đã giảm rõ rệt so với các năm trước" -Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển và hỗ trợ các mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc cũng là một giải pháp nhằm kiểm soát tận gốc việc đảm bảo ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật.

16:07 20/12/2018

Dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có thể gây ngộ độc

Độc giả Nguyễn Đức Vượng (Tập thể Bộ Công an) hỏi: “Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện đang rất phổ biến. Việc tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật gây nguy hại thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng?”


Bà Hoàng Thị Minh Thu (Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội).


Bà Hoàng Thị Minh Thu (Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội) trả lời: Bộ Y tế đã quy định mức tối đa dư lượng thuốc kháng sinh trong thực phẩm. Nếu mức dư lượng kháng sinh lớn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính. Nếu dư lượng thấp có thể gây ngộ độc mãn tính. Dù mức dư lượng như thế nào cũng gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

16:05 20/12/2018

Bạn đọc Phạm Thu Hằng (phường Tràng Tiền, Hà Nội) hỏi: “Vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là vào dịp lễ, tết, là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Ông đã trực tiếp tham gia nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy, theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường thì vấn đề đáng lo nhất hiện nay là gì?



Ông Nguyễn Đắc Lộc (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) trả lời:

Năm nào cũng có đợt cao điểm đấu tranh chống vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thời điểm cận Tết và sau Tết. Hiện Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo để quản lý vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, hiện nay vấn đề quản lý kiểm tra liên ngành, bảo đảm vệ sinh ATTP không đáng lo vì có nhiều công cụ lớn để quản lý. Bộ luật Hình sự sửa đổi có nhiều biện pháp, chế tài mạnh, ví dụ như ở Điều 266 và 193 nhấn mạnh việc truy tố . Bên cạnh đó, việc xử phạt ATTP hiện nay đã đồng bộ. Khi công cụ quản lý đã “mạnh” thì vấn đề hiện nay là việc thực hiện sát sao của từng đơn vị như thế nào.

Ông Nguyễn Đắc Lộc cũng cho biết, hiện nay có nhiều sản phẩm dồi dào cung cấp cho các cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm ở những “đầu vào” này rất tốt, vì thế người tiêu dùng nên dựa vào những địa chỉ này để tiêu dùng. Ngoài ra, khi mua hàng cần phải để ý nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn, giá cả.

“Người tiêu dùng cẩn thận, công cụ quản lý tốt sẽ giảm nỗi lo về vệ sinh ATTP rất nhiều”, ông Nguyễn Đắc Lộc bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến: Quản lý, giám sát vệ sinh, ATTP tại các làng nghề truyền thống của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.