Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam

Theo Vietnamplus| 11/01/2019 13:42

Sáng 11-1, Tổng cục Thống kê và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam 2016.


Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế xác định người khuyết tật để thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam, do Tổng cục Thống kê tiến hành trong hai năm 2016 và 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF.

Niềm vui của người khuyết tật trong Lễ kỉ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật ở Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, mục đích của điều tra là đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số và điều kiện kinh tế-xã hội nhằm cung cấp bằng chứng phục vụ lập kế hoạch, chính sách cải thiện cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam.

Khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam với hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.

Theo kết quả điều tra, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.

Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Điều tra cũng chỉ ra rằng, cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật.

Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực. Tuy nhiên, chỉ có 2% trường Tiểu học và Trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.

Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF cho rằng, cuộc Điều tra quốc gia về người khuyết tật là một trong những cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên trên thế giới sử dụng công cụ điều tra chuẩn quốc tế, đặc biệt là bộ công cụ thiết kế dành riêng cho việc xác định khuyết tật ở trẻ em.

Bộ công cụ này do UNICEF và Nhóm kỹ thuật thống kê Washington xây dựng nhằm đo mức độ khó khăn khi trẻ em thực hiện các chức năng trong cuộc sống hằng ngày, rất khác biệt so với chức năng ở người lớn.

Các chức năng hoạt động của trẻ em trong xác định khuyết tật bao gồm: Nhìn, nghe, di chuyển, tự chăm sóc, giao tiếp, học hỏi, ghi nhớ, tập trung, đối phó với sự thay đổi, kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc và chơi đùa.

"Ở Việt Nam, cuộc điều tra này có tầm quan trọng cao và rất kịp thời khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững, tập trung vào nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi mong rằng phát hiện từ cuộc điều tra sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về số liệu khuyết tật của SDG và sẽ cung cấp thông tin để hoạch định chính sách về dịch vụ xã hội, bảo trợ xã hội cho người và trẻ em khuyết tật" - bà Lesley Miller nói.

Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu: “Kết quả của cuộc điều tra này đã cung cấp những thông tin có chất lượng cao giúp đo lường những tiến bộ trong việc thực hiện quyền của người khuyết tật và đảm bảo sự tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ và giáo dục. Chính phủ Australia tự hào cùng hợp tác với UNICEF và Tổng cục Thống kê trong việc cải thiện cuộc sống cho trẻ khuyết tật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.