Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết: Thói quen cần loại bỏ

Hoàng Minh - Dung Vũ| 31/01/2019 06:50

(HNM) - Xuất phát từ nhu cầu tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi, đi lễ đầu năm... nên dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng hành nghề dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch trên địa bàn Hà Nội lại hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi.

Việc đổi tiền mới, tiền lẻ diễn ra công khai tại các đền, chùa. Ảnh: Thái Hiền


Đa dạng hình thức đổi tiền

Nếu như trước đây, các đối tượng chủ yếu bày tiền mới (còn nguyên seri) trên bàn, trong tủ ở một số tuyến phố, chợ, khu di tích lịch sử... để đổi cho người cần thì nay hình thức đổi tiền đa dạng và tinh vi hơn nhiều nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới những ngày gần đây tại các tuyến phố như Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, một số chợ ngoại thành Hà Nội, khu di tích lịch sử..., các đối tượng không chỉ công khai bày tiền mới để đổi mà còn có dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới qua “cò”.

Trong vai người đi đổi tiền mới, phóng viên vừa dừng lại ở đầu đường Nguyễn Xí, ngay lập tức có hai phụ nữ, vai đeo túi chạy ra hỏi: “Em đổi tiền mới à?”; “Em đổi nguyên cọc hay lẻ, chị có đủ các mệnh giá, phí đổi hợp lý. Nếu đổi, mời em vào trong ngõ, hoặc giao đến địa chỉ nào cũng được...”. Tại chợ Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), ngay ở cổng chính vào chợ có gần chục quầy công khai treo biển “đổi tiền” nhưng không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa xử lý (?).

Việc đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng internet hay mạng xã hội Facebook, Zalo cũng công khai, sôi động. Vào Facebook có tên Thanh N. thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) thấy ngay hình ảnh nhiều cọc tiền đầy đủ các mệnh giá được ghim lên đầu trang với lời mời chào đổi tiền mới hấp dẫn. Người tương tác chỉ cần bình luận là chủ tài khoản nhắn lại ngay bất kể người quen hay lạ. Còn tại các trang web như: “www.doitienle.net”, “www.doitien.org”,... chủ các trang này công khai số điện thoại của nhân viên giao dịch tại một số quận, huyện của Hà Nội hay một số tỉnh lân cận.

Điểm chung của các điểm đổi tiền lẻ, tiền mới ngoài thị trường là phí giao dịch tương đối cao, mệnh giá tiền càng nhỏ thì phí càng lớn. Cụ thể, mức phí đổi đối với tiền mệnh giá 50.000 đồng là 10% (tức là đổi 100.000 đồng, người đổi phải trả thêm 10.000 đồng); tiền mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng phí dao động 15-20%; còn tiền mệnh giá 2.000 đồng, 1.000 đồng phí đổi lên tới 30-35%.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn “đất” sống là nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều. Ngoài ra, do công tác kiểm tra, xử lý đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định chưa được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên, liên tục, chủ yếu mới dừng lại ở việc tuyên truyền, ký cam kết... nên chưa đủ sức răn đe. Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là không sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để đi lễ. Song, nhiều người đi lễ đình, chùa vẫn đặt tiền lẻ lên các ban thờ, mâm lễ... gây nên hình ảnh phản cảm.

Nhiều cửa hàng công khai đổi tiền lẻ tại chợ Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ).Ảnh: Đỗ Hà


Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội cho biết: Việc đi lễ chùa, hay các địa điểm tín ngưỡng... vào những ngày đầu tháng, ngày rằm hay vào đầu xuân là nét đẹp văn hóa. Đi lễ ở đâu cũng cần tấm lòng thành kính, nhưng thực tế vẫn còn nhiều người dân để tiền lên ban thờ hay gài tiền vào tay tượng, mâm lễ... Đây là hình ảnh rất xấu, không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, cần sớm loại bỏ.

Còn theo sư trụ trì chùa Làng Vân (huyện Gia Lâm) Thích Đàm Hợp, đến chùa hay bất cứ nơi thờ tự nào phải tôn nghiêm cung kính, tâm không tham lam, không cầu xin, không đặt tiền lẻ lên các ban thờ, cài vào tượng hoặc rải tiền lẻ xuống nước... Nếu người dân, phật tử có lòng thành muốn đóng góp cho nhà chùa thì hãy bỏ vào hòm công đức hoặc gửi lại ban quản lý đền, chùa ghi sổ công đức.

Tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28-12-2018 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng, đặc biệt là dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định. Thực hiện chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu hệ thống ngân hàng thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy việc xử lý hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới để hưởng chênh lệch cao chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.

Vì vậy, để tiền lẻ, tiền mới không trở thành “hàng hóa” sinh lời cho đối tượng đổi tiền hưởng chênh lệch, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được văn hóa đi lễ chùa thế nào là đúng và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết: Thói quen cần loại bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.