Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao khả năng phòng cháy ở khu dân cư

Mai Hữu| 02/02/2019 05:59

(HNM) - Hơn 50% vụ cháy trong năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tại hộ gia đình, khu dân cư. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những sơ suất của người dân trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt.

Hướng dẫn người dân sử dụng bếp gas an toàn tại quận Hai Bà Trưng.


Nhiều bất cập

Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, năm 2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 800 vụ cháy. Các vụ cháy làm 10 người tử vong, 20 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 350 tỷ đồng. Trong đó, hơn 60% vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố điện; hơn 50% các vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình, khu dân cư. Cũng theo thống kê của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, Hà Nội hiện có gần 500 nghìn nhà liền kề dạng ống, trong đó có khoảng 120 nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh, mặt tiền thường bị bịt kín bởi biển hiệu, hàng hóa, không có lối thoát nạn… khi cháy, nổ sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại các khu dân cư là ý thức phòng cháy của người dân khi sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt còn hạn chế. Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa) cho biết, khi Tết Nguyên đán cận kề cũng là thời điểm người dân trên địa bàn quận thắp hương, đốt vàng mã nhiều, nhất là tại các tuyến phố tập trung nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh như Đê La Thành, Thái Thịnh, Láng, Chùa Bộc… Khi thực hiện hoạt động này, nhiều người do chưa nhận thức đầy đủ về phòng cháy, chữa cháy đã vô tình gây cháy nổ ngay tại gia đình và nơi kinh doanh, gây nguy hiểm cho cả khu dân cư. Vụ cháy ngày 9-10-2018 tại quán karaoke X9 (phố Hào Nam, quận Đống Đa) là một ví dụ: Chủ quán đã bất cẩn gây ra cháy sau khi thắp hương, đốt vàng mã trên tầng thượng.

Đáng chú ý, nguyên nhân cao nhất và thường xuyên gây ra cháy là sơ suất trong quá trình sử dụng điện tại các gia đình. Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho rằng, tại các nhà ở kết hợp kinh doanh trong khu dân cư, người dân có xu hướng sử dụng nhiều đèn, thiết bị điện để trang trí, quảng cáo; mùa đông thì dùng quạt sưởi, máy sưởi… dễ dẫn đến chập, cháy điện. Thực tế qua kiểm tra cho thấy, nguy cơ chập, cháy điện cao tại nhiều nhà dân còn do đường dây điện không được bảo vệ tốt, để dây điện tiếp xúc với vật liệu dễ cháy, gần nguồn nhiệt, thậm chí làm dây treo đồ đạc...

Trong khi đó, công tác chữa cháy tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập chưa thể tháo gỡ. Hệ thống giao thông trong khu dân cư rất phức tạp, đặc biệt là khu vực nội thành với nhiều ngõ ngách sâu, nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, đường dây điện chằng chịt, các hộ gia đình xây lan can, mái che vươn ra ngoài, gây khó khăn cho xe chữa cháy di chuyển đến nơi xảy ra cháy. Đồng thời, nguồn nước chữa cháy trong thời gian qua dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy.

Nâng cao ý thức người dân

Cuối tháng 12-2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy tại các khu dân cư, Công an TP Hà Nội đã tổ chức 30 lớp tập huấn cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, người kinh doanh tại 30 quận, huyện, thị xã. Thiếu tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội) cho biết, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thường xuyên tổ chức tập huấn tại các khu dân cư về kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, cách sử dụng bếp gas và các thiết bị điện sinh hoạt an toàn.

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, công tác phòng cháy, chữa cháy càng cần được chú trọng, tăng cường. Theo Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát chặt chẽ tại các khu dân cư, địa điểm tập trung đông người có khả năng cháy, nổ cao, giúp người dân, hộ kinh doanh thấy được những sơ hở để khắc phục, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Trước những nguy cơ khó lường về cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Thiếu tá Vũ Hoài Nam khuyến cáo, người dân cần thường xuyên tự kiểm tra nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ từ nguồn điện, nguồn nhiệt… Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy và mỗi thành viên trong gia đình phải biết cách vận hành bình chữa cháy để sử dụng khi xảy ra cháy. Người dân cũng cần chủ động nghiên cứu, nắm vững kiến thức cơ bản về chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao khả năng phòng cháy ở khu dân cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.