Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến tới một đô thị thông minh

Hiền Thu| 05/02/2019 10:12

(HNM) - Sau một năm thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chứng kiến lễ ký kết giữa TP Hà Nội và Tập đoàn Dell về hợp tác chiến lược xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Ảnh: Viết Thành


Tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả

Còn nhớ, khi nói về chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” tại Hội nghị lần thứ mười một, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI (ngày 19-11-2017), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ đề này có ý nghĩa, phạm vi rất rộng, bao trùm tất cả các chủ thể trong bộ máy quản lý, những chủ trương lớn, công tác cải cách hành chính, mục tiêu “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả)… đòi hỏi toàn thành phố phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được kết quả mong muốn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của thành phố, ngay sau khi Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 26-2-2018 của UBND thành phố về “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” được ban hành, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đã khẩn trương tổ chức thực hiện một cách đồng bộ.

Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kết quả nổi bật là năm 2018, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức theo Nghị quyết HĐND thành phố và tinh thần của hai nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII): Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Trong đó, thành phố đã kiện toàn, sắp xếp từ 102 ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố xuống còn 28 ban chỉ đạo, giảm 74 ban (72,5%); giải thể cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố và thành lập Phòng Công tác giải phóng mặt bằng thuộc Văn phòng UBND thành phố; tổ chức lại trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã…

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, cùng với việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức, trong năm 2018, thành phố đã giải quyết tinh giản biên chế 202 người theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; lũy kế từ năm 2015 đến nay là 13 đợt, tinh giản 761 người. Các cơ quan, đơn vị sau khi sắp xếp đều sớm đi vào hoạt động ổn định, bộ máy hành chính gọn nhẹ và hiệu quả hơn, công tác tư tưởng được triển khai tốt. Các sở, UBND quận, huyện, thị xã sau khi được kiện toàn đã tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện các quy chế làm việc, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Một nội dung nữa được thành phố tập trung chỉ đạo, theo Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các quy định liên quan đến cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", thành phố triển khai quy tắc ứng xử tại nơi làm việc và nơi công cộng. Việc này đã làm thay đổi tư duy, thái độ, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành phố; nhất là bộ phận tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính đã có chuyển biến tích cực, rõ nét. Điển hình như mô hình “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính thân thiện, gần dân” được toàn bộ các phường trên địa bàn quận Long Biên triển khai năm 2018 đã mang lại sự hài lòng cho các tổ chức và công dân.

Những điểm ưu việt đang hiện hữu

Xây dựng đô thị thông minh là xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai và Hà Nội cũng hướng tới mục tiêu này - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Với phương châm làm từng bước, chắc chắn, Hà Nội đã ưu tiên lựa chọn 4 lĩnh vực là y tế, giáo dục, giao thông và du lịch đi đầu trong việc xây dựng đô thị thông minh. Cuối năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND về việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2016-2020, đồng thời nâng kinh phí thực hiện chương trình từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị thông minh theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2020: Hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của đô thị thông minh. Giai đoạn 2, từ năm 2021 đến năm 2025: Hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3, từ sau năm 2025: Phát triển đô thị thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Đến nay, nền tảng chính quyền điện tử dần được hình thành tại Thủ đô. Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân và kết nối mạng WAN đến tất cả các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã cùng 584 xã, phường, thị trấn. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tới xã, phường, thị trấn (năm 2018, toàn thành phố có 689/1.923 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chiếm 35,82% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính thành phố). Hiện tại, 100% thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đều thực hiện trên môi trường mạng... Đặc biệt, từ trung tuần tháng 11-2018, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên thành phố (trừ các dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành triển khai) thực hiện tập trung tại Hệ thống "một cửa" điện tử thành phố dùng chung 3 cấp. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức triển khai “Trung tâm điều hành thông minh”, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ; khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến... Nỗ lực phát triển mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính; phát triển chính phủ điện tử chính là chìa khóa để Hà Nội đẩy mạnh thu hút đầu tư, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2018 với 7,5 tỷ USD.

Như vậy, những điểm ưu việt của một đô thị thông minh hiện hữu, đã và đang tạo nền tảng để Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới một đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.