Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển mạnh mẽ 6 lĩnh vực lớn

Phương Nguyên| 14/02/2019 07:40

(HNM) - Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo định hướng hoạt động thông tin và truyền thông năm 2019 và những năm tiếp theo nhằm thúc đẩy mạnh mẽ 6 lĩnh vực lớn của ngành phát triển.

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện lớn của đất nước.


Đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng

Với tinh thần, mọi chính sách, mọi sự quản lý, mọi cố gắng của ngành là nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của 6 lĩnh vực quan trọng. Theo đó, đối với lĩnh vực bưu chính, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Phải phát triển mạng lưới chuyển phát, logistics để phát triển thương mại điện tử. Duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm 30-40%, để sau 5 năm, doanh thu bưu chính Việt Nam sẽ tăng 3-4 lần và đạt 3-4 tỷ USD.

Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng số thì đầu tiên phải phổ cập điện thoại thông minh (smartphone); cùng với đó là cấp phép tần số 4G, thử nghiệm 5G để tăng dung lượng, tăng sử dụng data (dữ liệu) trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng... Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần thực hiện nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác...

Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chuyển đổi số, chính phủ điện tử, thành phố thông minh sẽ là những vấn đề lớn trong năm 2019. Để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Chính phủ, từ trung ương tới các địa phương, thì trong phân bổ ngân sách phải có hạng mục chi cho công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin nền tảng và Chính phủ thuê lại dịch vụ, khi có ngân sách đầu tư thì có thể mua lại.

Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có thể đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng. Theo đó, năm 2019, phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng; giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng; bảo đảm an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp bảo đảm an ninh mạng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp ICT (thông tin và truyền thông), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, về cơ hội Việt Nam trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Việt Nam hiện đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông; Chính phủ quyết tâm đưa nước ta đứng thứ 4 thế giới về sản xuất và xuất khẩu các thiết bị viễn thông. Việc này phải làm được trong năm 2019-2020. Về công nghiệp nội dung số, vấn đề mấu chốt để tăng trưởng là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin phải đi tiên phong. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Thủ tướng Chính phủ giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Giữ niềm tin của xã hội vào báo chí

Về lĩnh vực thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại thông điệp gửi đến báo chí. Đó là, báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Vì vậy, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam càng phải cao, đầu tiên là các tổng biên tập. Mỗi nhà báo phải thấy trách nhiệm để không dễ dãi với các bài viết của mình; giữ danh dự người làm báo, giữ niềm tin của xã hội vào báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh việc quản lý báo chí trên cơ sở đặt báo chí trong toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên không gian mạng, từ đó đặt mục tiêu phải giám sát, đo lường được, cũng như phân tích và dự báo được các xu thế, phát hiện sai phạm để nhắc nhở.

Các đơn vị, cá nhân sai phạm có hệ thống phải xử lý nghiêm minh. Đồng thời, xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng và đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên.

Nhấn mạnh thực tế - nhiều cơ quan báo hiện nay không nhận được hỗ trợ tài chính của Nhà nước, tự bươn chải trên thị trường, trong khi thị trường quảng cáo bị chia sẻ gần 40% với mạng xã hội, và con số này có xu hướng ngày càng tăng... - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Báo chí không được bỏ trống trận địa này, phải sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội.

Cùng với đó là xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; xây dựng các mạng xã hội Việt Nam; bảo đảm sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019 sẽ phải thực hiện quy hoạch báo chí; sơ kết thực hiện Luật Báo chí và lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung luật này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạnh mẽ 6 lĩnh vực lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.