Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động, việc làm: Hấp dẫn ngay từ đầu năm

Minh Ngọc| 20/02/2019 06:28

(HNM) - Năm 2019, nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, thị trường lao động, việc làm diễn ra sôi động, hấp dẫn ngay từ những ngày đầu năm.

Các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Ảnh: Nhật Nam


Nhu cầu tuyển dụng lớn

Thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, cao hơn nhiều so với những năm trước. Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), cho biết: “Trong những ngày đầu năm, tôi và hơn 6.000 cán bộ, công nhân của công ty đều trở lại làm việc. Với những chính sách về lương, thưởng ngày càng tăng, tôi tin cuộc sống sẽ từng bước cải thiện”. Cũng ở Khu công nghiệp Thăng Long, chị Nguyễn Thị Hoài, công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam, chia sẻ: “Dịp Tết vừa qua, ngoài chế độ lương, thưởng, chúng tôi được công ty tổ chức đưa về quê và đón trở lại làm việc. Nhận được sự quan tâm đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, nên tôi sẽ tiếp tục gắn bó với công ty”.

Mặc dù đa số người lao động trở lại làm việc sau Tết, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động. Chị Hoàng Thị Tố Uyên, cán bộ tuyển dụng của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Ngày và Đêm, số 16, ngõ 24, đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai) cho hay: “Chúng tôi đang cần tuyển hơn 100 bảo vệ cho một số siêu thị mở thêm chi nhánh tại Hà Nội. Các ứng viên sẽ được hỗ trợ đào tạo miễn phí, được bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường. Người lao động sẽ nhận được mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng”.

Ngoài hình thức tuyển dụng trực tiếp, các doanh nghiệp đăng tuyển lao động qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Trên trang web vieclamhanoi.net của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và vieclamvietnam.gov.vn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên có hàng nghìn doanh nghiệp đăng tin cần tuyển gấp lao động. Tại những phiên giao dịch việc làm đầu xuân do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp đến tuyển người rất đông, nhưng chưa có đơn vị nào tuyển đủ lao động. Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, đa số đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động bổ sung, không phải tuyển lao động thay thế. Qua đó có thể thấy, thị trường lao động ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đang phát triển đúng hướng.

Thị trường tự do cũng có những việc làm phù hợp với nhiều đối tượng lao động, từ bán hàng theo ca, giúp việc gia đình theo giờ, cho đến vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, phá dỡ công trình… Anh Nguyễn Tiến Thành, thôn Tăng Nhi, xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) cho hay: “Tôi thường bốc dỡ hàng hóa ở khu vực chợ dân sinh 365, phường Hà Cầu (quận Hà Đông). Ngay những ngày đầu năm, chúng tôi đã làm không hết việc”.

Tập trung nâng cao chất lượng

Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 154.000 lao động, duy trì tỷ lệ lao động thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Còn theo dự báo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước sẽ có khoảng 56 triệu người có việc làm, trong đó có ít nhất 1,6 triệu người được tạo việc làm mới. Thị trường lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với lực lượng lao động giản đơn chiếm khoảng 26%; nhân viên dịch vụ, thợ kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc, thợ thủ công có kỹ thuật... chiếm khoảng 56%. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp giữ vững đà tăng. Những ngành, nghề có nhu cầu tuyển nhiều lao động là tài chính, đầu tư, bán hàng, hành chính, thư ký, kế toán, marketing, xây dựng, kiểm toán…

Tư vấn cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tổ chức hơn 80 phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, online (trực tuyến), chuyên đề; đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình thu thập, phân tích, kết nối cung - cầu lao động. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm tiếp tục tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối họ với doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì mong muốn, các cơ quan chức năng nghiên cứu thành lập đội ngũ tư vấn việc làm chuyên sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp. Kết quả nghiên cứu đó là căn cứ khoa học để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động; còn người lao động có thể tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để có được công việc yêu thích.

Ở cấp vĩ mô, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, việc nâng cao chất lượng thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Nhiệm vụ này sẽ hoàn thành khi toàn ngành quan tâm kết nối cung - cầu lao động, kết hợp đồng bộ giữa đào tạo nghề với tạo việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; giữa đào tạo mới với đào tạo lại...

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, hy vọng thị trường lao động, việc làm năm 2019 tiếp tục đà khởi sắc, từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động, việc làm: Hấp dẫn ngay từ đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.