Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoát nghèo nhờ đồng vốn kịp thời

Đỗ Minh| 22/02/2019 07:32

(HNM) - Được ví như “cánh tay” nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Hà Nội, những năm qua, tổ tiết kiệm và vay vốn tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả...


Hoạt động thiết thực này đã giúp nông dân phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm tận tình hướng dẫn khách hàng. Ảnh: Khuê Diệp


Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân ở thôn Kim Quan (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) vốn là hộ nghèo, thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa và rau màu. Năm 2017, bà được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn cho vay 20 triệu đồng để trồng 2 sào măng tây và chăn nuôi lợn. Nhờ đồng vốn kịp thời đó, mô hình trồng măng tây và nuôi lợn đã giúp gia đình bà dần ổn định cuộc sống với mức thu nhập đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng; gia đình bà Xuân đã thoát nghèo, tiếp tục mở rộng sản xuất...

Tương tự gia đình bà Xuân, nhiều hộ nông dân tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) cũng được hỗ trợ nguồn vốn kịp thời. Anh Lê Đăng Quynh (xã Kiêu Kỵ) chia sẻ: Khi mới bắt tay vào kinh doanh, nguồn vốn hạn hẹp nên không thể mở rộng sản xuất. Năm 2017, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng, gia đình đã đầu tư kinh doanh, từ đó thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu...

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm, doanh số cho vay trong năm 2018 của ngân hàng đạt 118.647 triệu đồng với 3.882 khách hàng vay vốn. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm ủy thác cho vay qua 4 hội đoàn thể cấp huyện là: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên; chỉ đạo hơn 40 hội đoàn thể của 22 xã, thị trấn với 268 tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn cho vay của ngân hàng đã giúp cho hơn 120 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 2.300 hộ...

Không riêng Gia Lâm, Ngân hàng Chính sách xã hội tại hầu hết các quận, huyện đang phát huy vai trò rất lớn trong xóa đói, giảm nghèo; giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, quê hương. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho biết, tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội đang quản lý là 7.326 tỷ đồng, tăng 936 tỷ đồng so với năm 2017. Cũng trong năm 2018, số vốn ủy thác từ ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thực hiện các chương trình như: Chương trình 02-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là 250 tỷ đồng; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở là 108,5 tỷ đồng; Chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP là 48 tỷ đồng...

Với mục tiêu nguồn vốn kịp thời đến với nông dân, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy hiệu quả rõ nét. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội, hiện toàn thành phố có 7.470 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác. Để các tổ tiết kiệm và vay vốn phát huy vai trò, hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Hà Nội tổ chức tập huấn cho chủ tịch UBND các xã và cán bộ nhận ủy thác qua các hộ...

“Trong năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn để đồng vốn kịp thời đến với nông dân, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu giảm nghèo của thành phố” - ông Phung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoát nghèo nhờ đồng vốn kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.