Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường làm việc tốt để “giữ chân” nhân tài

THU TRANG| 27/02/2019 07:34

(HNM) - Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành Y tế trong nhiều năm qua.

Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sử dụng thiết bị hiện đại khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Thái Hiền


Đãi ngộ tốt để “hút” thầy thuốc giỏi

Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1987, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học năm 1997 tại Trường Đại học Tổng hợp Munich (Đức), nhận giải thưởng khoa học Friedrich Wilhelm Bessel của Viện Hàn lâm khoa học Đức Alexander von Humboldt năm 2013 dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc và hai lần được mời ở lại Đức làm việc, thế nhưng, GS.TSKH - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng vẫn quyết định trở về Việt Nam làm việc và hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Với đôi bàn tay khéo léo và một trái tim nhân hậu, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng đã giúp nhiều người bệnh nghèo, cứu được nhiều đôi chân bị tàn tật bẩm sinh hay bị tai nạn nguy cơ phải cắt cụt chi, trở về trạng thái bình thường…

Với môi trường làm việc chuyên nghiệp cùng chính sách đãi ngộ đặc biệt, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã thu hút và “giữ chân” được không ít thầy thuốc giỏi, góp phần vào sự phát triển chung của bệnh viện. Đến thăm và chúc mừng các y, bác sĩ của bệnh viện nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, việc thực hiện theo mô hình viện - trường, tham gia đào tạo, nghiên cứu của bệnh viện đã đạt được những kết quả tích cực. “Đây chính là nơi ươm mầm, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành Y tế có chuyên môn cao ở khắp mọi miền đất nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

Để “giữ chân” được các bác sĩ giỏi, thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đã tạo lập môi trường làm việc thoải mái, được đào tạo chuyên sâu, đồng thời tiếp cận với những nghiên cứu, kỹ thuật mới. Ngoài ra, bệnh viện cũng luôn tổ chức những chương trình đào tạo liên kết, đào tạo chuyên khoa ngay tại bệnh viện... Chính vì thế, bệnh viện được coi là điển hình trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả lực lượng bác sĩ giỏi. Ông Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, dù đội ngũ cán bộ, nhân viên rất đông, với hơn 1.500 người nhưng bệnh viện đang duy trì được mức thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/tháng, thậm chí có nhiều bác sĩ giỏi có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng…

Thực tế cho thấy, trong cuộc chạy đua “giữ chân” nguồn nhân lực chất lượng cao, bệnh viện tư có nhiều lợi thế. Dù mới đi vào hoạt động trên địa bàn Thủ đô nhưng với cơ sở khang trang, rộng gần 10ha, quy mô 1.000 giường bệnh cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông đã thu hút nhiều giáo sư, bác sĩ giỏi về làm. Tại buổi lễ khai trương bệnh viện vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến bày tỏ sự vui mừng khi có nhiều “cây đa, cây đề” trong ngành Y, hiện đã nghỉ hưu làm việc tại đây. Những y, bác sĩ tuy đã nghỉ hưu tại các bệnh viện công lập nhưng vẫn là nguồn lực quý giá mà bệnh viện tư không mất tiền để đào tạo lại có thể vận dụng hiệu quả ngay được.

Lâu nay, người dân quay lưng với y tế cơ sở là do chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Thế nhưng, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại có những chính sách hiệu quả “hút” bác sĩ giỏi. Bác sĩ Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm chia sẻ, nhân tố con người đóng vai trò thành bại của y tế cơ sở nói riêng và ngành Y tế nói chung. Chính vì vậy, trung tâm đã kết nối với nhiều bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn, về “cầm tay chỉ việc”, đào tạo các y, bác sĩ. Không chỉ vậy, mỗi năm Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn chi khoảng 2 tỷ đồng cho quỹ phát triển để phục vụ việc đào tạo bác sĩ - một yếu tố quan trọng để thu hút các bác sĩ yên tâm ở lại công tác.

Môi trường làm việc và cơ hội cống hiến

Những chính sách thu hút bác sĩ giỏi được triển khai tại nhiều đơn vị y tế thời gian qua, đã góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân lực trong ngành Y tế Thủ đô. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đạt tỷ lệ 13,3 bác sĩ/10.000 dân. Nhờ đó, không chỉ bệnh viện mà người bệnh cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, không ít bệnh viện vẫn nơm nớp nỗi lo tình trạng “chảy máu chất xám”. Bởi khoảng cách quá lớn về mức thu nhập, các chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc giữa bệnh viện các tuyến, giữa bệnh viện công và bệnh viện tư… tác động không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ cán bộ y tế.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho rằng, để các bác sĩ có thể yên tâm làm công tác chuyên môn thật tốt cần nâng cao thu nhập cho họ bằng chế độ thỏa đáng. Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải quan tâm hơn đến việc đề cao kỷ luật trong khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa được tiêu cực. Các biện pháp tổng thể đổi mới toàn diện ngành Y sẽ góp phần động viên thầy thuốc giữ vững y đức, luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên hết.

Còn theo bác sĩ Chu Hoàng Giang, chuyên gia nam khoa - hiếm muộn (Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai), đối với bác sĩ trẻ, bên cạnh các yếu tố như thu nhập, chế độ đãi ngộ thì quan trọng nhất chính là môi trường làm việc, được cọ xát hằng ngày, được tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như được học tập, nghiên cứu bổ sung kiến thức, từ đó phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, người tài vốn dĩ luôn đi tìm môi trường và cơ hội để cống hiến tốt nhất, nên chỉ cần có môi trường phù hợp là họ sẽ chủ động tìm đến. Nếu không có môi trường làm việc tốt thì dù có chính sách đãi ngộ cao, bác sĩ giỏi vẫn sẽ rời đi. "Vấn đề mấu chốt khi giải bài toán thu hút, trọng dụng người tài là hãy tạo môi trường tốt để họ làm việc. Thực tế đã chứng minh, nơi nào có môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tốt thì người tài sẽ gắn bó và cống hiến lâu dài", ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường làm việc tốt để “giữ chân” nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.