Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn phải bảo đảm ổn định, tối ưu và nghiêm minh

Bảo Hân (ghi)| 09/04/2019 11:18

(HNMO) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, Thanh tra TP Hà Nội sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ họp bàn, thống nhất về chủ trương và cách làm trong xử lý những vi phạm về quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn.


Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trả lời báo chí sáng 9-4. Ảnh: Viết Thành


Cuối tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội có Thông báo kết luận thanh tra số 1183/TBKL-TTLN-P3 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, kết luận đã xác định rõ những vi phạm trong công tác quản lý, quy hoạch đất đai, đặc biệt liên quan đến việc xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn.

"Nội dung kết luận của Thanh tra thành phố không có gì khác so với nội dung được Thanh tra Chính phủ đã kết luận trước đây. Chỉ có điều, những nội dung đã được Thanh tra Chính phủ kết luận thì Hà Nội không nêu lại" - Chủ tịch UBND thành phố cho biết. Và đây cũng là lý do giải thích cho một số ý kiến thắc mắc vì sao một số công trình vi phạm lại không được Thanh tra TP Hà Nội nêu trong kết luận.

Trên cơ sở kết luận này, Hà Nội sẽ họp bàn kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ về nội dung kết luận trước đây để đặt ra lộ trình, phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, huyện Sóc Sơn và các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố để đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận này.

"Việc xử lý phải bảo đảm ổn định, tối ưu và nghiêm nhất!", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định. Đặc biệt, sẽ có những trường hợp được chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ trách nhiệm, vi phạm liên quan.

Việc hạn chế xe máy trong từng khu vực phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng trả lời báo chí về đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại một số khu vực nội thành vừa được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thông tin.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, toàn bộ đề án là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, được UBND thành phố trình tại kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 7-2018 và đã được thông qua, quy định rõ lộ trình thực hiện đến năm 2030.

"Những thông tin nêu trên báo chí vừa qua chỉ là ý kiến cá nhân của một số người, chưa phải là ý kiến chính thức của UBND TP Hà Nội", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, hiện nay, với thu nhập người dân Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, việc sử dụng phương tiện xe máy vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Thành phố hiện có gần 6 triệu phương tiện này. Do đó, việc hạn chế xe máy trong từng khu vực phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, toàn bộ phương án phải được công bố công khai toàn dân, tạo sự đồng thuận. Một cơ sở nền tảng nữa là thành phố phải phát triển đủ phương tiện công cộng cho người dân đi lại.

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, thói quen là khi di chuyển trong phạm vi từ 1 đến 1,5km trở lại thì nên đi bộ.

"Thời gian tới, Hà Nội sẽ đánh giá lại toàn bộ và công khai nội dung này", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm đất rừng Sóc Sơn phải bảo đảm ổn định, tối ưu và nghiêm minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.