Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thói quen xếp hàng không chỉ từ ý thức

HNMCT| 11/04/2019 10:58

(HNMCT) - Văn hóa xếp hàng không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là đề tài nóng trong nhiều năm nay. Đất nước chúng ta từng có giai đoạn dài văn hóa xếp hàng được duy trì khá tốt.


Một chiến dịch mang tên Tôi xếp hàng của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã được triển khai với nhiều phản hồi tích cực, trong đó có ý kiến từ đội ngũ diễn giả của Talk show “Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa”.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên cao cấp tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội


Văn hóa của người Việt Nam có nhiều khía cạnh như tính tập thể, sự bình đẳng nam nữ, tâm lý e ngại rủi ro, thường trọng quan hệ... đang tồn tại không ít vấn đề và tiền ẩn khá nhiều hệ lụy dẫn đến chuyện con người không dễ tin nhau, từ đó không tin vào sự minh bạch, công bằng. Do đó, hễ khuất mắt là người ta sẽ tìm cách “đi tắt” vì sợ bị thiệt, vì muốn có được lợi ích tốt nhất, nhanh nhất. Điều này xảy ra trong cung cách ứng xử thường nhật, trong đó có xếp hàng. Khi tôi đến Pháp, có trường hợp một sinh viên Việt Nam dạy sớm xếp hàng rồi những người đến sau “ăn” tiếp luôn vào chỗ xếp hàng ấy, thậm chí có lần, cả gần chục sinh viên dắt nhau đứng thành một “cục người”. Lợi ích của "cục người" ấy quá nhỏ bé, không đủ để bù lại những ánh mắt từ xung quanh khi đánh giá về sinh viên Việt Nam.

Văn minh và văn hóa là hai khái niệm khác nhau và luôn là điều chúng ta hướng tới. Người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ nên học công bằng, mà công bằng đầu tiên là ngay với đất nước mình. Chúng ta đang phàn nàn quá nhiều nhưng lại không trân trọng cái chúng ta có, không làm cho nó khá lên mà thậm chí lại hành xử như chính chúng ta từng phàn nàn. Tôi đã thấy rất nhiều sinh viên xinh xắn đẹp đẽ, học lực tốt, được khen ngợi ở trường nhưng không có văn hóa đi thang máy. Các bạn chen chúc ở cửa thang máy, không đợi người ở trong ra rồi mới bước vào. Quanh cửa thang máy lúc nào cũng như trận chiến, người ở trong chưa ra, người ở ngoài đã lo không vào được.

Nam nữ “bình đẳng” đến mức khi thang máy đã gần đầy, hai bạn nam nữ cùng bước vào, và thang kêu báo hiệu, nhưng các bạn nam đã cúi mặt để bạn nữ phải bước ra. Cuối cùng, nhà trường phải cắt cử riêng một bảo vệ trực ở cửa thang máy giờ cao điểm để bắt sinh viên phải xếp thành hàng. Sau khi bị ép theo hàng một thời gian thì văn hóa xếp hàng có khá hơn.
Văn hóa phải gồm từ hai phía, cá nhân và môi trường. Nếu chúng ta muốn có một văn hóa xếp hàng thì ngoài việc mỗi một cá nhân phải quản lý bản thân mình, tự ý thức thì tập thể cũng cần phải đảm bảo để mọi quy tắc được tuân thủ. Để bảo vệ các quy định cần có các công cụ, biện pháp, chế tài như lắp camera, xử phạt... Thậm chí như Trung Quốc đang làm là chấm điểm công dân, người có điểm thấp có thể bị từ chối đi nước ngoài, bị phương tiện giao thông từ chối phục vụ...

Tất nhiên, việc xếp hàng cũng có các trường hợp đặc biệt, và sẽ không bất công nếu những trường hợp đặc biệt này đều được công bố trước. Ví dụ trên xe buýt luôn có những chiếc ghế ghi rõ dành riêng cho phụ nữ có thai, người già và trẻ em; trong bệnh viện sẽ ưu tiên cho các ca cấp cứu nặng, trẻ sơ sinh, người cao tuổi... Hoặc trường hợp là cả hàng xếp ấy đồng thuận, ví dụ như nhường cho người sắp muộn giờ lên máy bay được làm thủ tục trước.

Nhà văn, nhà báo Kim Ngân


Tôi đã sống ở một đất nước mà người ta thường nói người Thụy Điển đứng một mình cũng xếp hàng. Đơn giản đó chỉ là một thói quen đợi đến lượt mình và họ thực sự chấp nhận nó bởi tất cả mọi người đều như thế.

Tôi nghĩ, xếp hàng là một việc công bằng, tất cả mọi người đều là một cá nhân như nhau trong hàng ấy. Bạn đến trước bạn có trước, cứ đợi và khi đến lượt bạn, bạn cảm thấy hài lòng thì bạn sẽ chấp nhận việc xếp hàng là điều đương nhiên. Ở Việt Nam từng có giai đoạn dài văn hóa xếp hàng được duy trì khá tốt, nhưng trong cơ chế thị trường, nếp văn hóa đó đã bị suy mòn. Thế nhưng, những năm gần đây, tôi thấy văn hóa xếp hàng của Việt Nam tốt lên từng ngày. Ví dụ ở sân bay, khi bắt gặp trường hợp chen hàng, lập tức có người nói ngay “mọi người đang xếp hàng đấy anh ạ” và anh đó tự cảm thấy xấu hổ vì đã chen ngang. Tôi nghĩ, khi đám đông lên tiếng, cái thiểu số sẽ phải chấp nhận, và đây cũng là cách mà chúng ta đang dần hình thành văn hóa xếp hàng.

Lực cản lớn nhất trong giáo dục văn hóa, trong đó có văn hóa xếp hàng đó chính là từ gia đình. Tinh thần gia đình, tinh thần lo cho người khác trong gia đình của người Việt Nam quá lớn. Đến mức, có cụ bà được nhường chỗ ngồi trên xe buýt ngay lập tức lại nhường ghế cho đứa cháu trai đã hơn chục tuổi đầu của mình, mà trông ngoại hình người cháu ấy trẻ khỏe không kém gì người đã nhường chỗ ban đầu cho cụ. Chính cụ bà đã làm hư cháu mình. Rồi người cháu này sẽ có biết nhường chỗ cho ai không, khi mà em đang ngồi cái ghế mà đáng lẽ em phải để cho bà em ngồi?

Để thay đổi nhận thức của gần trăm triệu dân trong một quốc gia không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể tin tưởng khi có một bộ phận lớp trẻ ngày nay đang có sự giao lưu và học hỏi nhiều điều tốt đẹp từ quốc tế thông qua internet. Các blogger, facebooker nổi tiếng cũng đang có ảnh hưởng đến các bạn trẻ thông qua nhiều hoạt động của mình từ văn hóa xếp hàng, văn hóa giao thông hay không dùng ống hút, cốc nhựa sử dụng một lần... Đây là những tín hiệu tích cực cho văn hóa xếp hàng của Việt Nam sẽ thay đổi ngày một tốt hơn.

PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Đại học Văn hóa, Hà Nội


Mọi chuyện trở thành văn hóa khi thiết lập được một thói quen, một tập tính, một tình yêu và một ý thức chấp nhận nó một cách tự nguyện. Văn hóa phải hướng tới giá trị bền vững, một giá trị sống có ý nghĩa mà người ta theo đuổi và nếu không coi đó là một giá trị thì chắc chắn người ta sẽ không theo. Vậy nên, cái quan trọng đầu tiên là phải "đánh thức" để mọi người hiểu xếp hàng là một giá trị sống. Chừng nào còn chưa coi xếp hàng là một giá trị sống, cần tôn vinh và theo đuổi thì chúng ta chưa tạo được văn hóa trong câu chuyện này. Ở Việt Nam, tôi thấy, về cơ bản chúng ta chưa có văn hóa xếp hàng, chúng ta đang lệ thuộc vào những mục tiêu lợi ích trước mắt.

Cần thiết lập ý thức xếp hàng trở thành một thói quen.


Chuyện xếp hàng có thể nhìn từ nhiều góc độ, một là nguồn lực đang thiếu nên xếp hàng mới có được. Hai là từ góc độ tâm lý, phần lớn người Việt chúng ta hay sốt ruột, nôn nóng, lo sợ mất phần và muốn vượt trội hơn người khác, hoặc muốn có cách nhanh nhất để đạt được mục đích. Chính tâm lý đã chi phối văn hóa xếp hàng. Ở Việt Nam có hai việc xếp hàng tương đối tốt, đó là dưới một áp lực kỷ luật có giám sát, và đám đông có chung một cảm xúc thiêng liêng. Còn khi đứng trước lợi ích và rời khỏi áp lực kỷ luật, hầu như sẽ trở thành đám đông hỗn loạn. Đi sâu vào nền tảng tinh thần của người Việt, rõ ràng bản tính lo bị thiệt thòi khiến câu chuyện xếp hàng trở thành điều xa xỉ. Để xếp hàng thành một nền nếp tự nhiên của đời sống e sẽ còn rất lâu mới thiết lập được.

Thế nhưng cũng rất hy vọng vào văn hóa xếp hàng của người Việt, bởi lẽ hiện nay đã và đang bắt đầu có đội ngũ những người có vai trò dẫn dắt của xã hội là các trí thức ưu tú, tri thức tinh hoa đang từng bước góp phần thay đổi xã hội, tạo ra các hiệu ứng lan tỏa đến công chúng, cảnh tỉnh công chúng trên các trang mạng xã hội, trên truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thói quen xếp hàng không chỉ từ ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.